Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Du lịch

Phố bánh ddeok gia truyền ở phường Nakwon

2011-09-13

Phố bánh ddeok gia truyền ở phường Nakwon
Khắp nơi trên đất nước Hàn Quốc đang từng bừng chào đón Chuseok, một trong những ngày lễ truyền thống lớn nhất trong năm của người Hàn. Chuseok, cũng giống với Tết trung thu của người Việt, diễn ra vào rằm tháng tám âm lịch hàng năm, là dịp để người Hàn bày tỏ lòng biết ơn trời đất và tổ tiên đã ban cho một vụ mùa bội thu. Trong mỗi dịp lễ tết, người Hàn thường có những món ăn đặc trưng. Và món ăn đặc trưng của Chuseok chính là một loại bánh ddeok, món bánh truyền thống của người Hàn, mang tên songpyeon. Chiếc bánh songpyeon có hình nửa mặt trăng, được làm bằng bột gạo với nhân là vừng, đậu đỏ, đậu đen, hạt dẻ… và sau đó được hấp với lá thông tươi. Từ những nông sản thu hoạch được, người Hàn đã làm ra loại bánh này để cảm tạ tổ tiên đã phù hộ họ trong suốt một năm. Sẽ thật đáng tiếc nếu đón Chuseok ở Hàn Quốc mà thiếu bánh songpyeon, đúng không các bạn? Vì vậy, hôm nay Thiện Nhân sẽ dẫn các bạn đến một khu phố nổi tiếng với nghề làm bánh ddeok gia truyền gần 100 năm, phố bánh ddeok ở phường Nakwon, quận Jongno, thành phố Seoul. Hãy cùng lên đường nào!

[Những đều cần biết về phố bánh ddeok phường Nakwon]

Xuống ga Jonggak của tuyến tàu điện ngầm số 1, đi về hướng Jongno 2ga, du khách sẽ thấy lối vào khu phố Insa-dong ở bên trái. Bên phải của lối vào có một sân khấu ngoài trời nằm dựa lưng vào một bức tường vẽ hình năm ngọn núi màu xanh, mặt trăng, mặt trời và hai dòng thác lớn. Đây chính là bức tranh mô phỏng bức “Nhật nguyệt ngũ phong đồ” được vẽ trên ngai vàng hoàng đế trong chính điện của triều đại Joseon. Bên cạnh đó là một khu bán nhạc cụ trông rất cổ kính, được gọi là Khu mua sắm Nakwon. Và chỉ cần đi ra phía sau của khu này, du khách sẽ thấy ngay địa điểm của chuyến tham quan hôm nay, phố bánh ddeok phường Nakwon. Để hiểu lí do vì sao khu phố này lại mang tên Nakwon, chúng ta hãy nghe chuyên gia du lịch Lee Dong-mi giải thích nhé! Chuyên gia Lee Dong-mi giải thích: “Nakwon trong tiếng Hàn có nghĩa là thiên đường. Nhiều người nghĩ rằng “thiên đường” ở đây hàm chỉ thiên đường bánh ddeok, nhưng thật ra nó lại mang một ý nghĩa khác. Khu phố này được hình thành trong giai đoạn Hàn Quốc nằm trong tay thực dân Nhật và nằm ngay cạnh công viên Tapgol, công viên đúng nghĩa và duy nhất ở Hàn Quốc hồi đầu thế kỉ 20. Vị trí tuyệt vời này khiến nhiều người khi nhìn thấy khu phố lại liên tưởng đến một thiên đường trong trí tưởng tượng. Từ đó, cái tên “Nakwon” được ra đời”.

Vậy từ bao giờ mà khu phố lại trở thành nơi tập trung của các cửa hàng bánh ddeok? Để biết được điều này, chúng ta hãy cùng gặp gỡ bà Lee Jeong-suk, chủ nhân đời thứ ba của một cửa hàng bánh ddeok ở đây . Bà Lee Jeong-suk cho biết: ”Thuở xưa, quanh đây có rất nhiều cung điện như cung Changdeok, cung Unhyeon… Theo lời người xưa kể lại thì chính những người từng làm việc trong nhà bếp hoàng cung là những người đầu tiên mở các cửa hàng bánh ddeok ở đây. Trước khi những tòa nhà cao tầng mọc lên san sát, dãy cửa hàng bánh ddeok kéo dài cho đến tận phường Anguk, nhưng bây giờ chúng chỉ còn nằm rải rác. Vào thời điểm đó, chắc hẳn con phố vô cùng đông đúc, náo nhiệt, nhất là vào dịp lễ Chuseok như thế này”.

Các cửa hàng bánh ddeok bắt đầu được hình thành ở đây vào cuối triều đại Joseon. Cùng thời điểm vương triều sụp đổ, các đầu bếp, cung nữ phục vụ trong nhà bếp hoàng cung buộc phải ra ngoài mở cửa hàng bánh ddeok để tìm kế sinh nhai. Như vậy, nguồn gốc hình thành nên khu phố cũng ẩn chứa một câu chuyện lịch sử đau buồn của Hàn Quốc.

[Hương bánh gia truyền]

Trong giai đoạn phố bánh ddeok kinh doanh phát đạt nhất, người Seoul thường truyền tụng nhau câu nói “Nam tửu bắc bính”, ý nói phía nam Seoul thì có rượu ngon, còn phía bắc Seoul thì có bánh ddeok ngon. Có thể lí giải cho điều này như sau: Seoul xưa được ngăn cách bởi con suối Cheonggye, phía nam là nơi mà các học giả nhàn rỗi thường lui tới để đối ẩm nên có rất nhiều loại rượu ngon, còn phía bắc lại là nơi tập trung của nhiều gia đình khá giả thường hay ăn những món bánh đắt tiền, nên bánh ddeok ở đây nổi tiếng hơn bất cứ nơi nào khác. Danh tiếng của khu phố này còn lưu truyền cho đến tận ngày nay. Chúng ta hãy cùng nghe bà Lee Gwang-soon, chủ nhân đời thứ ba của một cửa hàng bánh ddeok khác, cung cấp thêm thông tin nhé! Bà Lee Gwang-soon nói: “Gia đình tôi kinh doanh bánh ddeok ở đây đã qua ba thế hệ, từ bà nội, bà ngoại, mẹ tôi rồi đến tôi. Tính đến nay cũng trên 90 năm. Trước khi trở thành vị tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc, ngài Lee Syng-man chỉ dùng bánh ddeok của cửa hàng nhà tôi, và sau khi đã trở thành tổng thống cũng thế. Đây quả là một niềm vinh dự cho cửa hàng của chúng tôi”.

Bên cạnh việc chuyển giao các thế hệ quản lí cửa hàng, khách hàng của họ cũng chuyển giao từ thế hệ này sang thế hệ khác. Sau đây là cảm nhận của một vị khách thường xuyên đến đây mua bánh trong suốt 20 năm: “Ông nhà tôi phải đi làm rất sớm nên không có thời gian ăn sáng. Vì vậy, tôi thường gói một miếng bánh ddeok bí ngô cho ông ấy ăn cùng với sữa khi đến văn phòng. Vào những dịp cúng thất hay khi các con kết hôn, tôi cũng hay đến đây đặt mua bánh ddeok. Mới đó mà cũng đã hơn 20 năm. Khu phố này rất nổi tiếng. Không những vì bánh ngon mà còn vì người bán cũng rất tử tế. Đó là lí do tôi chỉ mua bánh ở đây”.

Vậy làm thế nào để có được một chuyến tham quan phố bánh ddeok phường Nakwon một cách thú vị nhất? Chuyên gia du lịch Lee Dong-mi gợi ý: “Các cửa hàng bánh ddeok nằm dọc theo hai bên của một con đường khá to. Phía sau của mỗi cửa hàng thường là nơi làm bánh, còn phía trước được dùng để bán bánh. Nhìn vào quầy trưng bày, ta có thể thấy được sự đa dạng trong kiểu dáng và màu sắc của những chiếc bánh. Các cửa hàng luôn cho phép du khách ăn thử. Vừa thưởng thức hương vị bánh ddeok mà vừa quan sát phố phường thì quả là tuyệt vời!”

Dọc theo con đường là hai dãy dài toàn các cửa hàng bánh ddeok. Các cửa hàng dù mới mở cửa kinh doanh thì cũng đã ngót nghét được 30 năm, còn các cửa hàng lâu đời nhất thì cũng đã vượt quá con số 90 năm. Bước vào bên trong cửa hàng, du khách sẽ thấy những chiếc máy dập bánh đang chạy hết công suất để phục vụ cho nhu cầu của người dân nhân dịp Chuseok. Hương thơm ngọt dịu của bánh ddeok dường như lan tỏa khắp các ngõ phố. Trên các quầy trưng bày, những chiếc bánh sặc sỡ sắc màu đang ra sức cuốn hút sự chú ý của du khách. Thật khó có thể cưỡng lại sức hấp dẫn này.

Dịp bình thường, mọi người chỉ thường đến đây mua bánh ddeok để ăn sáng hoặc ăn nhẹ. Thế nhưng, vào những dịp lễ tết như thế này, khu phố trở nên nhộn nhịp, huyên náo hơn gấp nhiều lần. Bà Lee Gwang-soon cho biết thêm: “Tùy theo mùa và dịp lễ tết mà có những loại bánh ddeok khác nhau. Vào Chuseok, người Hàn thường ăn bánh songpyeon. Dạo này, để đáp ứng thị hiếu của khách hàng, màu sắc của bánh songpyeon cũng trở nên đa dạng như màu đen từ nếp than, màu vàng từ bí ngô, màu xanh lá từ ngải tây… Chuseok là thời điểm bận rộn nhất trong năm. Người Hàn thường mua bánh ddeok để làm quà trong dịp này. Chúng tôi thường phải thức tới sáng để làm bánh, thậm chí là thuê người làm thêm để kịp hoàn thành các đơn đặt hàng”.

Được biết, cũng vào dịp này cách đây khoảng 30 năm, số người kéo đến khu phố này để kinh doanh bánh ddeok bỗng tăng cao đột ngột. Mọi người vẫn thường truyền tụng rằng chỉ cần bán bánh ddeok qua một mùa Chuseok là đủ ăn cả năm. Về việc này, bà Lee Gwang-soon giải thích: “Đúng là ngày xưa chỉ cần bán qua một mùa Chuseok thôi là có thể đủ sống cả năm. Trước lễ một tuần, nhà nào trong khu phố cũng đều thức trắng cả đêm để làm bánh. Hồi đó không có chuyện giao hàng, ai muốn mua bánh thì phải mang gạo đựng trong một cái thố lớn tới, rồi đến nhận bánh sau. Chúng tôi làm nhiều bánh đến mức không thể đếm xuể. Chỉ riêng bánh songpyeon, ước tính đã phải dùng đến 800 cân gạo một lần làm. Hồi đó mọi người mua nhiều lắm, nhưng dạo này họ chỉ mua vừa đủ để đặt lên bàn cúng tổ tiên thôi”. Trước khi có các loại máy móc, người thợ chỉ có thể dùng tay để làm nên rất mất thời gian. Mặc khác, vì bánh ddeok là loại thức ăn không thể thiếu được trong các dịp lễ tết, nên khi số lượng người mua quá đông đã khiến các cửa hàng luôn ở trong tình trạng quá tải. Nhưng bây giờ, nhờ có máy móc giúp đỡ, nên tiến độ công việc cũng nhanh hơn và người mua cũng chỉ thường đặt với số lượng nhỏ để làm quà.

[Khám phá thế giới bánh ddeok]

So với trước đây, thị hiếu và khẩu vị của mọi người đã thay đổi nhiều, nên số lượng người tìm đến khu phố mua bánh sụt giảm đáng kể. Để theo kịp với xu hướng của xã hội, các cửa hàng bánh ddeok ở phường Nakwon cũng buộc phải thay đổi. Song song với việc duy trì những loại bánh truyền thống, họ cũng cho ra đời những loại bánh mới và tốt cho sức khỏe. Bà Lee Gwang-soon cho biết thêm: “Dạo này mọi người rất thích bánh ddeok làm từ các loại hạt. Trong khi vào mùa thu, các loại bánh ddeok nếp lại là sự lựa chọn hàng đầu. Có một loại ddeok mà khi xưa chỉ có vua chúa mới được ăn, đó là bánh ddeok duteop. Đây là loại bánh với nhân được làm từ 9 loại hạt trộn với mật ong, sau đó gói vào bột nếp rồi hấp lên. Ngoài ra, còn có một loại nữa được gọi là ddeok dinh dưỡng cũng hấp dẫn không kém, được làm bởi 7 loại nguyên liệu bao gồm bí ngô, trà xanh, nhân sâm… rất tốt cho sức khỏe”.

Những chiếc bánh ddeok dạo này được khoác lên mình những sắc màu và diện mạo mới, không những đẹp mắt mà còn ngon miệng, khiến người mua không ngớt lời khen tặng. Bà Lee Jeong-suk tâm sự: “Bánh ddeok là một món ăn vừa đẹp lại vừa ngon với nhiều loại đa dạng như ddeok bí ngô, ddeok ngải tây… Cũng có những loại được làm từ táo tàu và hạt dẻ. Một số loại lại trông giống với bánh kem hơn. Các thực khách nước ngoài tỏ ra rất ưa chuộng loại bánh mới này của chúng tôi”.

Một trong những thứ thu hút sự quan tâm của du khách nhất chính là nguyên liệu làm bánh. Một chiếc bánh dù có đẹp đến đâu mà không ngon thì cũng xem như bỏ đi. Vì lí do đó mà những người thợ làm bánh ở đây rất xem trọng việc chọn lựa nguyên liệu. Họ luôn chọn những thứ tốt nhất để làm ra những chiếc bánh chất lượng. Bà Lee Jeong-suk nói: “Nguyên liệu là yếu tố vô cùng quan trọng. Gạo dùng để làm bánh phải là loại có chất lượng hảo hạng. Không chỉ chúng tôi mà các cửa hàng khác cũng chỉ sử dụng loại gạo tốt nhất. Có như thế, hương vị của bánh mới ngon, mới giữ chân được các khách hàng thân thiết”. Cũng về vấn đề nguyên liệu, bà Lee Gwang-soon cho biết: “Các nguyên liệu chúng tôi sử dụng đều là nông sản trong nước và chúng tôi hoàn toàn tự tin khẳng định đều đó. Chúng tôi đã kí hợp đồng với các nông dân để họ cung cấp nguyên liệu. Ví dụ như chúng tôi đặt hàng mua gạo và ngải tây không sử dụng chất hóa học từ đảo Jeju”.

Sức hút của khu phố này cũng giống như một chiếc bánh ddeok mật ong thơm ngon và bổ dưỡng, đã đến một lần là sẽ còn quay lại, bất kể có vào dịp Chuseok hay không. Du khách đến đây lúc nào cũng nhận được sự đón tiếp nồng hậu và hào phóng của các chủ cửa hàng. Dễ nhận thấy nhất chính là ở những góc ăn thử đầy ắp bánh và những phần tặng thêm cho khách mua. Bởi vì người Hàn có quan niệm rằng phải cần rất nhiều người để làm bánh, cho nên cũng cần chừng ấy người để thưởng thức chúng, chia sẻ với nhau thì ăn sẽ ngon hơn.

Chính thái độ và quan niệm tốt đẹp như trên mà danh tiếng của khu phố đã lan truyền đến tai nhiều du khách nước ngoài. Vì vậy, hễ đã đi qua đây thì thế nào du khách nước ngoài cũng phải ghé vào mua bánh. Ở đây không tồn tại rào cản ngôn ngữ. Chỉ cần thông qua những động tác tay cũng đủ giúp cho du khách nước ngoài hiểu về bánh ddeok và vui vẻ mua về thưởng thức. Hơn nữa, khó có ai đủ sức cưỡng lại sức hút của những góc ăn thử, mà ai đã từng ăn bánh ddeok thì sẽ thích ngay.

Dù không ngọt lịm như đường, cũng không ngọt gắt như sô-cô-la, nhưng ai đã ăn bánh ddeok một lần là nhớ mãi không thôi. Cứ vào mỗi dịp Chuseok, người Hàn lại ngồi quây quần bên nhau, cùng ngắm trăng tròn và thầm nguyện ước về những điều tốt đẹp. Và trên mâm bánh của họ sẽ không bao giờ thiếu một món bánh mang tên songpyeon!

Lựa chọn của ban biên tập