Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Du lịch

Làng Hanok Namsangol, không gian thư giãn lí tưởng trong thành phố Seoul

2011-10-18

Làng Hanok Namsangol, không gian thư giãn lí tưởng trong thành phố Seoul
Cuối cùng thì mùa thu cũng đã đến. Từ phía bắc, màu đỏ đã bắt đầu xâm chiếm màu xanh của lá cây và lan dần xuống phía nam. Qua giữa thời điểm tháng 10, khắp nơi trên bán đảo Hàn Quốc sẽ chìm trong sắc đỏ lộng lẫy và ấm áp. Nếu như vào mùa xuân, Hàn Quốc rực rỡ với sắc vàng của hoa gaenari, sắc tím của hoa jindallae, sắc xanh của những chiếc lá non… thì nay sắp khoác lên mình sắc đỏ, sắc cam của những khóm lá chuyển màu. Giữa tiết trời mát mẻ và thiên nhiên tươi đẹp như thế này, có một nơi rất thích hợp để bạn có thể khám phá. Đó chính là làng Hanok Namsangol, ngôi làng lưu giữ gần như nguyên vẹn những dấu ấn xa xưa của thời Joseon, Hàn Quốc.

[Những ấn tượng đầu tiên về làng Hanok Namsangol]

Làng Hanok là một quần thể các ngôi làng, nơi bảo tồn được rất nhiều nhà cổ, mang lối kiến trúc truyền thống của người Hàn. Và làng Hanok Namsangol mà chúng ta ghé thăm hôm nay là một trong những làng Hanok đẹp và nổi tiếng nhất Hàn Quốc. Để đến đây, du khách có thể đi tuyến tàu điện ngầm số 3 hoặc số 4, xuống ở ga Chungmuro, ra cửa số 3 hoặc số 4 rồi đi bộ thêm khoảng 5 phút nữa là nhìn thấy cổng làng. Nằm lọt thỏm giữa các cao ốc, xung quanh là dòng xe cộ ồn ào chạy ngược xuôi, bước qua cổng chính để tiến vào làng Hanok Namsangol, du khách sẽ có cảm giác như vừa bước sang một thế giới khác.

Được thành lập vào năm 1998, làng Hanok Namsangol là một phần của kế hoạch của chính quyền thành phố Seoul nhằm khôi phục nguyên trạng khu vực núi Namsan để người dân có nơi thư giãn. Giám đốc quản lí ngôi làng, ông Lee Young-don giới thiệu: “Làng Hanok Namsangol rộng 79.000m2, riêng khu nhà truyền thống chiếm 10% diện tích. Đối diện khu nhà truyền thống là nhà hát truyền thống Namsan với diện tích khoảng 2.300m2, kết hợp với hồ Thanh Hạc Địa, quảng trường Seoul Time Capsule (được xây dựng năm 1994, phía trên một khu di tích với nhiều di vật tiêu biểu của Hàn Quốc thời xa xưa)… tạo nên một khuôn viên vô cùng đẹp mắt. Trước đây, do nơi đây từng là chỗ đóng quân của một căn cứ quân đội nên địa hình khu vực này đã bị hư hại nhiều. Chúng tôi đã phải tạo ra các thung lũng, đào suối, xây nhà, trồng cây… để tái tạo khu vườn truyền thống và không gian cổ xưa”.

Điều đầu tiên đập vào mắt du khách khi đặt chân đến làng Hanok Namsangol chính là khu vườn truyền thống, được phục dựng giống hệt trước đây. Những âm điệu truyền thống nhẹ nhàng phát ra từ đâu đó càng tiếp thêm sức hấp dẫn cho khu vườn. Phóng tầm mắt lên cao, du khách có thể nhìn thấy tháp Namsan đứng sừng sững trên những tán lá cây chuyển màu. Bên trái khu vườn là hồ Thanh Hạc Địa và gác Thiên vũ, còn bên phải là các công trình như đình Thanh Lưu, đình Quan Ngư… Giám đốc Lee Young-don giới thiệu kĩ hơn: “Gác Thiên Vũ là căn gác có từ thời Joseon, được xây dựng để làm địa điểm ngắm cảnh. Căn gác này tọa lạc một vị trí rất dễ đón được những làn gió mát lành, rất thích hợp để làm nơi tránh nóng. Từ gác Thiên Vũ đi về phía bên phải, bạn sẽ thấy đình Thanh Lưu. Ngồi thư giãn nơi đây, ai cũng có thể nghe được tiếng nước suối chảy róc rách, tạo một cảm giác vô cùng thư thái. Tiến thêm khoảng 50m nữa, bạn sẽ bắt gặp một ngôi đình nằm cạnh một cái hồ nhỏ. Ngôi đình này có tên gọi là đình Quan Ngư, vì đứng tại đây bạn có thể nhìn thấy những con cá đang bơi lội tung tăng dưới nước. Tiếp theo, chúng ta hãy cùng hướng lên phía Bắc một chút để đến với lầu Vọng Bắc, nơi có thể nhìn thấy cung điện của Đức Vua. Đã đến lúc chúng ta quay về hướng khu nhà truyền thống. Trên đường đi, bạn sẽ còn được thấy đình Phi Khâm, một nơi tránh nóng lí tưởng khác. Khắp nơi trong khuôn viên làng Hanok Namsangol có rất nhiều những đình lầu như thế này”.

Gác Thiên Vũ là một công trình to và rộng đến mức có thể tổ chức một buổi biểu diễn âm nhạc truyền thống. Băng qua gác Thiên Vũ, du khách sẽ đến đình Thanh Lưu, nơi có một dòng suối nhỏ chảy róc rách bên dưới. Vì yêu thích dòng suối duyên dáng và tiếng nước trong trẻo này mà người Hàn xưa đã quyết định xây đình ở đây để có thể thưởng thức cảnh sắc thiên nhiên và tận hưởng thú vui thơ ca, hội họa… Ngày nay, rất nhiều người vẫn thường lui đến đình Thanh Lưu để ngồi chuyện trò, tán gẫu.

[Khám phá khu nhà truyền thống]

Giờ là lúc chúng ta khám phá khu nhà truyền thống trong làng Hanok Namsangol. Khu nhà này nằm ở bên trái của cổng chính, chỉ cần băng qua quảng trường phía trước gác Thiên Vũ là du khách sẽ có thể nhìn thấy rất rõ rệt. Có tổng cộng 5 ngôi nhà đã được khôi phục và bảo quản tốt ở đây, rất thích hợp để đón tiếp các đoàn khách nước ngoài tới tham quan các di sản văn hóa tiêu biểu.

Ngôi nhà nằm gần với cổng vào khu nhà truyền thống thuộc về gia đình Đô phiến thủ Lee Seung-eop, người từng giữ vai trò điều hành việc trùng tu cung Gyeongbok dưới thời hoàng tử Daewon (Đại Viện) cuối thế kỉ 19. Ngôi nhà vốn dĩ tọa lạc gần suối Cheonggye, nhưng sau đó đã được di dời về đây. Nằm chếch lên phía trên một chút là ngôi nhà được xây dựng vào năm 1890 của gia đình Ngũ vệ tướng Kim Chun-young, người thống lĩnh vệ binh bảo vệ 4 cung điện lớn của vương triều Joseon. Khi đi lướt quanh khu nhà, du khách có cảm giác ngôi nào cũng có vẻ giống nhau, nhưng nếu quan sát kĩ thì sẽ phát hiện ra những điều khác biệt hết sức thú vị.

Nằm giữa khu nhà truyền thống là ngôi nhà to nhất trong số 5 ngôi nhà ở đây. Hướng dẫn viên Lee Eun-hyeong giới thiệu: “Đây là nhà của gia đình Min Young-hui, một người họ hàng của hoàng hậu Myeongseong (Minh Thành). Ngôi nhà tuy đơn giản nhưng rất rộng. Hãy thử nhìn kích thước sàn nhà. Với một ngôi nhà có kích thước sàn nhà rộng như thế này, người xưa gọi là “Lục gian đại sảnh”. Ngôi nhà được chia thành nhiều căn, nhưng hiện chỉ còn lại 3 căn, ít hơn nhiều so với 8 căn như trước kia. Vào cuối thời Joseon, ngôi nhà này đã từng được liệt vào danh sách 1 trong 8 ngôi nhà to nhất Seoul”. “Lục gian đại sảnh” có nghĩa là ngôi nhà có sàn nhà rộng được chia thành 6 gian. Không những sàn nhà, diện tích nhà bếp của ngôi nhà này cũng rộng không kém. Nhìn vào quy mô của nó, người ta có thể biết được chủ nhân là người quyền quý đến mức nào. Du khách hoàn toàn có thể tự do ra vào các phòng và chiêm ngưỡng những hiện vật cổ đang được trưng bày bên trong. Giám đốc Lee Young-don cho biết: “Tất cả hiện vật đang được trưng bày ở đây đều đã được các nhà sử học tư vấn kĩ càng trước khi đem ra trưng bày. Nếu không thể tìm được những hiện vật vào thời đó, chúng tôi sẽ cho phục chế đúng với nguyên bản. Trong phòng ngủ, bạn có thể bắt gặp chiếc bàn, tủ trang điểm, máy khâu… đã từng được bà chủ nhà sử dụng. Còn tại thư phòng, chúng tôi cho trưng bày giấy bút, bàn sách, tẩu thuốc… của ông chủ nhà. Ngoài ra, bạn còn được thấy nhiều đồ dùng bếp núc như tủ, nồi, lọ gia vị… trong nhà bếp”. Sàn nhà của các ngôi nhà thường xuyên được đánh bóng bằng dầu đậu nành và được bảo quản theo cách tốt nhất. Nhờ đó, mà bề mặt của sàn nhà lúc nào cũng sáng đẹp và trơn nhẵn.

Chúng ta hãy tạm biệt ngôi nhà của gia đình Min Young-hui và đến tham quan ngôi nhà bên cạnh đó nhé! Đây là trai thất của Hải phủ viện quân Yun Taek-young, cha vợ của vua Sun-jong (Thuần Tông), vị vua cuối cùng của vương triều Joseon. Gọi là trai thất vì ngôi nhà này là nơi dùng để chuẩn những thứ cần thiết cho việc cúng thất. Nằm chệch về phía dưới của trai thất này là ngôi nhà của gia đình Yun Deok-young, bác ruột của hoàng hậu Sun Jeong-hyo (Thuần Trinh Hiếu), vợ vua Sun-jong.

[Những trải nghiệm văn hóa thú vị]

Một điểm thú vị khác khi đến tham quan khu nhà truyền thống chính là các hoạt động trải nghiệm đa dạng. Mỗi ngôi nhà lại có một hoạt động phù hợp được tổ chức ở đây. Giám đốc Lee Young-don tiết lộ: “Mỗi ngôi nhà có một hoạt động trải nghiệm tùy theo phong cách cổ xưa của nó. Đầu tiên là làm đồ thủ công mĩ nghệ bằng giấy Hanji, loại giấy truyền thống của Hàn Quốc. Bạn có thể tự tay làm ra những bộ Hanbok bằng giấy cho búp bê. Nếu không thích các hoạt động này, bạn có tham gia một buổi trà đạo theo phong cách truyền thống của Hàn Quốc. Ngoài ra, còn có các góc học chơi nhạc cụ truyền thống, học viết thư pháp… Các hoạt động này được tiến hành từ 10 giờ sáng đến 5 giờ chiều mỗi ngày. Vào mỗi dịp cuối tuần, bạn sẽ còn được học cách làm mặt nạ, sáo, diều, quạt…”

Các du khách đang được hướng dẫn cách chơi bộ nhạc cụ Samulnori truyền thống của Hàn Quốc tại ngôi nhà của gia đình Yun Deok-young. Ở sân trước khu nhà truyền thống, một khu trải nghiệm thực tế đã được dựng lên cho du khách tự tay chế tác mặt nạ, sáo, diều… Làm thế nào để có thể đục 5 cái lỗ vào thân cây, rồi thổi ra âm thanh... đây quả là một việc không hề dễ dàng chút nào. Mặc dù chiếc sáo mà du khách làm ra chưa thể phát ra những âm thanh du dương, trầm bổng, nhưng cũng mang lại cho họ nhiều trải nghiệm thú vị, khó quên tại làng Hanok Namsangol. Thử làm sáo rồi, bây giờ chúng ta thử làm mặt nạ nhé! Với những mẫu mặt nạ sẵn có, du khách chỉ việc tô màu theo sở thích là sẽ có ngay một chiếc mặt nạ ngộ nghĩnh. Các thành viên trong gia đình đang thay nhau đeo chiếc mặt nạ mới làm xong và chụp ảnh kỉ niệm. Tiếng cười rộn rã của họ dần chìm khuất trong những âm điệu truyền thống.

Buổi biểu diễn âm nhạc truyền thống tại gác Thiên Vũ đã bắt đầu. Chủ đề của các buổi biểu diễn được thay đổi liên tục, và chủ đề của hôm nay là liên khúc Arirang được thể hiện dưới hình thức acappella. Được thưởng thức nghệ thuật giữa những cơn gió se lạnh và dưới bầu trời thu trong xanh như thế này, mọi lo âu, phiền muộn như đều tan biến.

Phía sau làng Hanok có một quảng trường rộng 4.950m2 mang tên Seoul Time Capsule, một trong những công trình được xây dựng nhằm kỉ niệm 600 năm Seoul. Công trình mang hình quả chuông này đang cất giữ 600 hiện vật tiêu biểu của Seoul. Và nó sẽ được khai trương vào ngày 29/11/2394 như một món quà gửi tặng thế hệ tương lai của Hàn Quốc đúng dịp kỉ niệm 1.000 năm Seoul.

Làng Hanok Namsangol tọa lạc tại vị trí mà trước đây được giới quý tộc và học giả thời Joseon thường tìm đến để thư giãn. Với cảnh sắc nên thơ cùng sự hiện diện của các đình lầu duyên dáng, nơi đây còn nổi tiếng như một nơi tránh nóng và thưởng thức nghệ thuật vô cùng lí tưởng dành cho người dân Seoul ở thế kỉ 21. Mùa thu này, các bạn đừng bỏ lỡ cơ hội được nhìn ngắm thời khắc lá chuyển màu trong không gian cổ kính của làng Hanok Namsangol nhé!

Lựa chọn của ban biên tập