Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Hàn Quốc sử dụng thuốc điều trị COVID-19 của Pfizer từ 14/1

2022-01-15

Tin tức

ⓒYONHAP News

Ngày 13/1, lô thuốc điều trị COVID-19 đầu tiên của hãng dược Pfizer đã được nhập vào Hàn Quốc và bắt đầu đưa vào sử dụng từ ngày 14/1, được kỳ vọng sẽ trở thành “kẻ thay đổi cuộc chơi” trong cuộc chiến với COVID-19.

 

Kế hoạch nhập và sử dụng thuốc điều trị

Chính phủ Hàn Quốc đã ký hợp đồng đặt mua tổng cộng 762.000 liệu trình thuốc điều trị COVID-19 mang tên “Paxlovid” của Pfizer. Ngoài 21.000 liệu trình nhận được lần này, sẽ có thêm 10.000 liệu trình nữa được nhập vào trong nước cho đến cuối tháng 1.

 

Đối tượng được ưu tiên sử dụng thuốc là bệnh nhân trên 65 tuổi hoặc người suy giảm hệ miễn dịch đang điều trị tại nhà hoặc tại các trung tâm điều trị cho bệnh nhân nhẹ, trong số các bệnh nhân nhẹ hoặc có nguy cơ diễn biến nặng. Thời điểm dùng thuốc là trong vòng 5 ngày sau khi xuất hiện triệu chứng, không sử dụng với bệnh nhân không có triệu chứng. Trước đó, kết quả nghiên cứu lâm sàng cho thấy thuốc Paxlovid giúp giảm tới 88% nguy cơ nhập viện hoặc diễn biến nặng cho các bệnh nhân nhẹ hoặc có nguy cơ diễn biến nặng thuộc nhóm rủi ro cao. Đặc biệt, thuốc có đặc tính ức chế sự nhân lên của virus trong cơ thể người, nên cơ quan phòng dịch nhận định thuốc có hiệu quả với cả các bệnh nhân nhiễm biến thể virus COVID-19, bao gồm cả biến thể Omicron. Trong thời gian tới, cơ quan phòng dịch sẽ cân nhắc tới nguồn cung thuốc, xu hướng phát sinh ca nhiễm mới, để điều chỉnh và mở rộng đối tượng sử dụng thuốc.

 

Kỳ vọng

Tình hình dịch COVID-19 tại Hàn Quốc đang tương đối ổn định. Số ca nhiễm mới có chiều hướng giảm dần, số bệnh nhân nguy kịch không còn tăng mạnh. Lô thuốc điều trị đầu tiên gồm 21.000 liệu trình lần này đủ dùng cho trên 1.000 bệnh nhân/ngày trong vòng ba tuần. Hiện tại, số người đang điều trị tại nhà là 15.927 người, tại các trung tâm điều trị dành cho bệnh nhân nhẹ là 8.468 người. Thuốc Paxlovid phải được dùng ngay trong vòng 5 ngày sau khi xuất hiện triệu chứng, nên sẽ được ưu tiên sử dụng cho các ca nhiễm mới hơn là các bệnh nhân đã mắc bệnh từ trước. Hiện tại, trong số các ca nhiễm mới, tỷ lệ bệnh nhân trên 60 tuổi chỉ chiếm khoảng 12%, nên đối tượng sử dụng thuốc trên thực tế sẽ không vượt ngưỡng 1.000 người/ngày, dự kiến không dẫn đến tình trạng thiếu thuốc. Ngoài ra, vắc-xin của hãng được Novavax (Mỹ) đã được cơ quan chức năng Hàn Quốc cấp phép, dự kiến sẽ góp phần đẩy cao hơn nữa tỷ lệ tiêm chủng trong nước.

 

Lo ngại

Tuy nhiên, cũng không ít ý kiến lo ngại trong dư luận về loại thuốc điều trị mới. Do đây là loại thuốc lần đầu được đưa vào sử dụng, nên vẫn chưa biết được thuốc sẽ gây ra tác dụng phụ như thế nào. Hiện tại, các phản ứng phụ được báo cáo chủ yếu là các phản ứng nhẹ như rối loạn vị giác, tiêu chảy, tăng huyết áp, nhức mỏi cơ bắp, nên cơ quan phòng dịch nhận định không cần lo ngại về tính an toàn. Tuy nhiên, dự kiến biến thể Omicron sẽ ngày càng lây lan rộng hơn, dịch bệnh có thể bùng phát mạnh trở lại sau đợt nghỉ lễ Tết Nguyên đán cuối tháng này, tình trạng thiếu nguồn cung thuốc điều trị có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Theo đó, Chính phủ Hàn Quốc đã ký hợp đồng đặt mua thêm 242.000 liệu trình thuốc thuốc điều trị COVID-19 “Molnupiravir” của hãng dược Merck & Co (MSD) của Mỹ. Việc sử dụng thuốc điều trị dạng uống được kỳ vọng sẽ giúp giảm số ca bệnh nặng, giảm tải và duy trì ổn định cho hệ thống ứng phó y tế trong dài hạn, từ đó đẩy sớm thời gian khôi phục đời sống thường nhật cho người dân.

Lựa chọn của ban biên tập