Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tổng kết hai năm dịch COVID-19 bùng phát tại Hàn Quốc

2022-01-22

Tin tức

ⓒYONHAP News

Ngày 20/1 là tròn hai năm ngày Hàn Quốc ghi nhận ca nhiễm COVID-19 trong nước, là một một phụ nữ Trung Quốc nhập cảnh từ thành phố Vũ Hán, Trung Quốc. Sau hai năm, tổng số ca nhiễm tại Hàn Quốc hiện đã vượt ngưỡng 700.000 ca, trong đó có hơn 6.000 ca tử vong.


Từ ca nhiễm đầu tiên tới biến thể Omicron

Khoảng một tháng sau ca nhiễm đầu tiên nói trên, vào ngày 18/2, Hàn Quốc ghi nhận một loạt ca nhiễm COVID-19 liên quan tới cơ sở tôn giáo ở thành phố Daegu. Làn sóng lây nhiễm thứ nhất bùng phát với nhiều ca nhiễm trong cộng đồng, tâm dịch là thành phố Daegu và tỉnh Bắc Gyeongsang, có lúc số ca nhiễm mới lên tới gần 1.000 ca/ngày. Sau hơn hai tháng, làn sóng lây nhiễm lần thứ nhất lắng xuống. Tuy nhiên, tới tháng 8/2020, làn sóng lây nhiễm thứ hai bắt đầu, chủ yếu do các vụ lây nhiễm tập thể liên quan tới cơ sở tôn giáo, thêm vào đó là ảnh hưởng từ vụ biểu tình quy mô lớn tại trung tâm thủ đô Seoul nhân dịp Quốc khánh 15/8. Số ca nhiễm mới trong làn sóng lần thứ hai ở ngưỡng 200-400 ca/ngày. Từ trung tuần tháng 11/2020, dịch bệnh lại một lần nữa bùng lên tại khu vực Seoul và các địa phương lân cận. Làn sóng lây nhiễm lần thứ ba kéo dài khoảng ba tháng, với số ca nhiễm mới lúc đỉnh điểm là khoảng 1.000 ca/ngày, số bệnh nhân nặng vượt 400 ca, làm dấy lên lo ngại về tình trạng thiếu giường bệnh. Làn sóng lây nhiễm lần thứ 4 bùng phát vào đầu tháng 7/2021 với một “diện mạo” hoàn toàn khác trước. Số ca nhiễm liên tục vượt ngưỡng 1.000 ca/ngày, có lúc lên tới hơn 3.000 ca. Sau đó, cân nhắc tới tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin COVID-19 đã đạt trên 70% và xu hướng chung trên thế giới, Hàn Quốc bắt đầu khởi động lộ trình từng bước khôi phục đời sống thường nhật từ tháng 11 cùng năm. Song do số ca nhiễm mới tăng vọt trở lại, cùng với đó là sự xuất hiện của biến thể Omicron, dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phưc tạp tới thời điểm hiện tại.


Phòng dịch

Được phát hiện lần đầu tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, virus COVID-19 đã lây lan rộng ra khắp thế giới. Trong khi các nước thực thi nhiều biện pháp phong tỏa quyết liệt, như chặn người nhập cảnh từ Trung Quốc, thì Hàn Quốc lại lựa chọn phương án “kiểm soát” thay vì “phong tỏa”. Seoul đối phó bằng các biện pháp phòng dịch chủ động, thần tốc, như quản lý chặt chẽ người nhập cảnh, cách ly ngay bệnh nhân nghi nhiễm, tích cực đeo khẩu trang và giãn cách, nắm bắt lộ trình di chuyển của ca bệnh. Kết quả là trong khi dịch bệnh lây lan tới mức không thể kiểm soát trên phạm vi toàn thế giới, đứng đầu là châu Âu, thì mô hình phòng dịch của Hàn Quốc lại được cộng đồng quốc tế chú ý. Seoul đã thực thi giãn cách xã hội chia làm các mức khác nhau tùy theo mức độ dịch bệnh, hạn chế hoạt động của các cơ sở tập trung đông người, các cuộc tiếp xúc riêng tư. Từ ngày 26/2 năm ngoái, Hàn Quốc chính thức triển khai tiêm chủng vắc-xin COVID-19. Trong giai đoạn đầu, do lượng vắc-xin còn hạn chế, nên Chính phủ ưu tiên tiêm chủng cho đội ngũ nhân viên y tế, các nhân lực thiết yếu trong xã hội, người có bệnh lý nền, người cao tuổi. Sau đó, Chính phủ đã đẩy nhanh tốc độ tiêm phòng, tới cuối tháng 10, tỷ lệ người dân Hàn Quốc hoàn thành hai mũi tiêm vượt 70%. Mặc dù vậy, chỉ 47 ngày sau khi khởi động lộ trình khôi phục đời sống thường nhật, Hàn Quốc đã phải giãn cách xã hội trở lại do số ca nhiễm mới tăng vọt và sự xuất hiện của biến thể Omciron. Hiện tại, số ca nhiễm mới trong ngày vẫn dao động rất lớn. Trong trung tuần tháng 12 năm ngoái, số ca nhiễm mới đã chạm mốc 8.000 ca/ngày, rồi giảm xuống ngưỡng 3.000 ca, nhưng có lúc lại tăng lên 5.000 ca. Một số ý kiến bi quan cho rằng số ca nhiễm mới trong ngày có thể tăng lên 20.000 ca vào đợt nghỉ lễ Tết Nguyên đán tháng 2 tới, thời điểm người dân di chuyển nhiều. Tuy nhiên, hiện tại Hàn Quốc đang tăng tốc tiêm vắc-xin mũi ba; hơn nữa, Chính phủ đã cấp phép thuốc điều trị COVID-19 dạng uống của Pfizer và và bắt đầu đưa vào sử dụng, nên cũng có ý kiến kỳ vọng Seoul sẽ sớm quay lại lộ trình khôi phục đời sống thường nhật.

Lựa chọn của ban biên tập