Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Dự báo về đường lối thống nhất, ngoại giao của Hàn Quốc 5 năm tới

2022-03-12

Tin tức

ⓒYONHAP News

Chính phủ mới của Tổng thống đắc cử Yoon Suk-yeol dự kiến sẽ ra mắt trong bối cảnh toàn thế giới đang lâm vào bất ổn hơn lúc hết. Chính sách liên Triều và đối ngoại của Chính phủ mới được dự báo sẽ có bước chuyển đổi mạnh mẽ.

 

Chính sách với Bắc Triều Tiên

Trong buổi họp báo đầu tiên sau khi có kết quả đắc cử Tổng thống, liên quan tới chính sách với Bắc Triều Tiên, Tổng thống đắc cử Yoon Suk-yeol phát biểu sẽ đối phó cứng rắn, đúng nguyên tắc với hành động bất hợp pháp và không phù hợp của Bình Nhưỡng, nhưng đồng thời vẫn sẽ để ngỏ cánh cửa đối thoại bất cứ lúc nào. Điều này cho thấy ông Yoon sẽ đặt trọng tâm vào “nguyên tắc” và “đối phó cứng rắn” trong quan hệ với miền Bắc. Chính sách với Bắc Triều Tiên luôn là một trong những bài toán nan giải nhất. Nỗ lực tìm kiếm hòa bình thông qua đối thoại của Chính phủ Tổng thống Moon Jae-in tới thời điểm hiện tại lại đang bị cho là thất bại. Trong khi đó, Bắc Triều Tiên đang có dấu hiệu lợi dụng thời cơ chiến tranh Nga-Ukraine để vượt qua “giới hạn đỏ”, tức khiêu khích phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) hoặc thử nghiệm hạt nhân. Trong khi đó, Mỹ lại đang tập trung đối phó với Nga và Trung Quốc, đẩy vấn đề miền Bắc khỏi thứ tự ưu tiên. Do vậy, sẽ rất khó có thể tìm được động lực để xoay chuyển tình hình quan hệ liên Triều. Một số ý kiến chỉ ra rằng chỉ cần duy trì được tình hình hiện tại cũng đã là thành công. Mặt khác, có phân tích cho rằng cục diện hiện nay rất có thể sẽ còn rơi vào mâu thuẫn sâu sắc hơn nữa. Đó là bởi Tổng thống đắc cử Yoon Suk-yeol đưa ra cam kết tranh cử là tăng cường sức mạnh phòng thủ, như tập trận chung Hàn-Mỹ. Đây là những điều mà Bắc Triều Tiên coi là “chính sách thù địch tiêu biểu”. Nếu Chính phủ mới của ông Yoon Suk-yeol thực hiện đúng như cam kết trên thì nhiều khả năng miền Bắc sẽ đáp trả lại bằng việc đẩy cao thị uy sức mạnh quân sự.

 

Tăng cường quan hệ đồng minh Hàn-Mỹ

Đường lối chính sách đối ngoại của Tổng thống đắc cử Yoon Suk-yeol đó là dựa trên nền tảng quan hệ đồng minh Hàn-Mỹ, tương tự như các chính quyền bảo thủ trước đây. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là tình hình quốc tế hiện tại, khi Mỹ đang đẩy cao sức ép đối với Trung Quốc, Nga tấn công quân sự Ukraine, thế giới đang rơi vào trạng thái đối đầu Đông-Tây sâu sắc. Chính phủ mới sẽ đứng trước sức ép là phải củng cố quan hệ đồng minh, đứng hẳn về phe Mỹ cũng như các nước đồng minh và đối tác của Washington.

Trước đó, ông Yoon Suk-yeol từng phát biểu rằng vụ phóng tên lửa đạn đạo ngày 5/3 của Bắc Triều Tiên cho thấy chính sách với Bình Nhưỡng của Tổng thống Moon Jae-in đã bị cả Mỹ và miền Bắc “bỏ rơi”, hệ quả từ một chính sách “vô nguyên tắc, coi thường quan hệ đồng minh Hàn-Mỹ”. Tức nếu đắc cử, ông sẽ lấy quan hệ đồng minh Hàn-Mỹ làm nền tảng cho chính sách với miền Bắc và chính sách đối ngoại của Seoul.

Khi ông Yoon lên nắm quyền, Hàn Quốc dự kiến sẽ tăng cường phối hợp với Mỹ, tìm kiếm phương án gia nhập QUAD, cơ chế an ninh gồm 4 nước là Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ nhằm kìm hãm Trung Quốc. Ông Yoon từng trình bày về kế hoạch tham gia vào nhóm công tác của QUAD về lĩnh vực vắc-xin, biến đổi khí hậu và công nghệ mới, rồi chính thức gia nhập QUAD sau này. Nếu làm đúng như vậy, Hàn Quốc sẽ đứng hẳn về phía phương Tây trong cơ chế chiến tranh lạnh mới.

 

Quan hệ với Nhật Bản và Trung Quốc

Trong quan hệ với Nhật Bản, ông Yoon nhấn mạnh cụm từ “hướng tới tương lai”. Ông này từng phát biểu phải suy xét về quan hệ Hàn-Nhật đặt trọng tâm vào lợi ích chung của hai bên và điều mà các thế hệ tương lai hai nước phải hướng tới. Có nghĩa là Chính phủ mới của ông Yoon Suk-yeol sẽ có bước đi khác với Chính phủ đương nhiệm, hiện đang để sự ác cảm về các vấn đề lịch sử chi phối.

Quan hệ Hàn-Trung cũng được cho là sẽ rất khó kiểm soát do dự thay đổi của tình hình thế giới. Tổng thống đắc cử từng tuyên bố sẽ phát triển quan hệ Hàn-Trung trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau, nhưng nếu Seoul tham gia QUAD thì sẽ khó tránh khỏi sự phản đối và kìm hãm của Bắc Kinh.

Lựa chọn của ban biên tập