Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Chính trị

Đảng Hàn Quốc tự do có Đại diện mới tại Quốc hội

Write: 2018-12-12 10:45:56Update: 2018-12-12 10:50:39

Đảng Hàn Quốc tự do có Đại diện mới tại Quốc hội

Photo : YONHAP News

Ngày 11/12, nghị sĩ Quốc hội 4 khóa Na Kyung-won đã được bầu làm tân Đại diện tại Quốc hội của đảng đối lập Hàn Quốc tự do với số phiếu bầu áp đảo. Đây là lần đầu tiên một nữ nghị sỹ được bầu làm Đại diện của đảng bảo thủ Hàn Quốc tự do. Bà Na đã chiến thắng sau ba lần tranh cử.

Đối thủ của bà Na là nghị sĩ hai khóa Jeong Yong-ki, đã đắc cử chức Chủ tịch Ủy ban chính sách đảng Hàn Quốc tự do.

Phát biểu khi nhậm chức, tân Đại diện Na Kyung-won nhấn mạnh về sự đoàn kết trong nội bộ đảng Hàn Quốc tự do. Bà Na khẳng định sẽ kìm hãm Chính phủ Tổng thống Moon Jae-in, giữ gìn các giá trị bảo thủ.

Cuộc chạy đua chức Đại diện tại Quốc hội của đảng Hàn Quốc tự do lần này trên thực tế là cuộc đối đầu giữa phe các nghị sĩ từng thoát ly khỏi đảng Hàn Quốc tự do, gia nhập đảng khác rồi lại quay trở lại, và phe các nghị sĩ bám trụ tại đảng từ đầu tới cuối, ngay cả sau vụ bê bối cựu Tổng thống Park Geun-hye bị Tòa án Hiến pháp luận tội. Bà Na là đại diện cho phe các nghị sĩ bám trụ này, đã giành được số phiếu áp đảo, nhiều tới hơn 30 phiếu so với người về thứ hai.

Bài toán đặt ra với tân Đại diện đảng Hàn Quốc tự do hiện nay chính là hàn gắn những mâu thuẫn giữa các phe cánh trong đảng. Trong thời gian tới, khi đảng Hàn Quốc tự do công bố thay thế Chủ tịch các đảng bộ tại địa phương, hay tổ chức Đại hội toàn đảng vào đầu năm sau, thì dự kiến những tranh cãi đảng phái sẽ còn trở nên sâu sắc hơn.

Đại diện Na cho biết sẽ thu thập ý kiến trong nội bộ đảng về việc cải cách cơ chế bầu cử, điều mà ba đảng đối lập còn lại đang yêu cầu, kéo dài thời hạn hoạt động của Ủy ban đặc biệt về cải cách chính trị và thảo luận từng bước về vấn đề này.

Phản ứng về sự kiện này, đảng Dân chủ đồng hành bày tỏ kỳ vọng bà Na sẽ xây dựng được một chính đảng bảo thủ có thể tin cậy. Trong khi đó, ba đảng đối lập khác thì yêu cầu tân Đại diện Na ưu tiên xúc tiến áp dụng cơ chế bầu cử hỗn hợp nghị sĩ trúng cử theo tỷ lệ ủng hộ của cử tri với đảng.

Lựa chọn của ban biên tập