Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Trong nước

Hàng loạt sự kiện kỷ niệm "Ngày tưởng niệm các nạn nhân nô lệ tình dục thời chiến"

Write: 2019-08-14 14:03:18Update: 2019-08-14 18:07:41

Photo : YONHAP News

Nhân ngày tưởng niệm các nạn nhân nô lệ tình dục thời chiến 14/8, "Cuộc biểu tình ngày thứ Tư" lần thứ 1.400  đã được tổ chức vào trưa cùng ngày trước Đại sứ quán Nhật Bản ở Seoul, và cuộc biểu tình kỷ niệm "Ngày tưởng niệm các nạn nhân nô lệ tình dục thời chiến" lần thứ 7, cũng đã diễn ra. 

Theo Ban tổ chức, dưới thời tiết nắng nóng hơn 30 độ C, gần 20.000 học sinh trung học phổ thông, trung học cơ sở và người dân, đã lấp đầy "Con đường Hòa bình" xếp thành hình "con bướm vàng".  

Bắt đầu "Cuộc biểu tình ngày thứ Tư", cụ bà Kil Won-wook phát biểu cảm ơn những người đã xuống đường tham gia biểu tình, khẳng định sẽ đấu tranh đến cùng để đi đến chiến thắng. Tham gia biểu tình còn có Chủ tịch đảng Công lý Sim Sang-jung, và các ủy viên tối cao của đang cầm quyền Dân chủ đồng hành.  

"Cuộc biểu tình ngày thứ Tư" diễn ra lần đầu tiên vào tháng 1 năm 1992, với mục đích kêu gọi Chính phủ Nhật Bản làm sáng tỏ sự thật và xin lỗi về vấn đề phụ nữ bị ép mua vui cho lính Nhật trong Thế chiến II, yêu cầu bồi thường cho các nạn nhân. Cuộc biểu tình đã được tổ chức liên tục trong suốt 28 năm qua 

Trong ngày 14/8, không chỉ ở Soeul, "Cuộc biểu tình ngày thứ Tư" còn được tổ chức tại 13 tỉnh, thành phố trên cả nước và 56 nơi tại 37 thành phố ở 12 quốc gia và vùng lãnh thổ như Úc, New Zealand, Đài Loan, Nhật Bản, Mỹ. 

Hội đồng khắc ghi chính nghĩa cho biết ở các thành phố lớn của Nhật Bản như Tokyo, Kyoto, các tổ chức xã hội địa phương cũng đã tổ chức biểu tình, trong bối cảnh Chính phủ nước này đang thực hiện biện pháp trả đũa kinh tế Hàn Quốc. 

Người tham gia biểu tình đã yêu cầu Chính phủ Nhật Bản phải thừa nhận và xin lỗi về vấn đề phụ nữ bị ép mua vui cho binh lính Nhật thời chiến. Trong bản tuyên bố, những người biểu tình khẳng định phong trào "Me too" (Tôi cũng vậy), khởi đầu từ vấn đề nạn nhân nô lệ tình dục thời chiến 28 năm trước, là một liên minh được thành lập để đẩy lùi tình trạng xâm hại tình dục thời chiến và giải quyết một cách thoả đáng vấn đề này. Đồng thời, yêu cầu Tokyo chấm dứt các hành vi xâm hại nhân quyền và danh dự của các nạn nhân, bồi thường cho nạn nhân, chính thức xin lỗi và chịu trách nhiệm pháp luật liên quan. 

Cùng ngày, Chính phủ cũng tổ chức lễ kỷ niệm "Ngày tưởng niệm các nạn nhân nô lệ tình dục thời chiến", tại Nhà tưởng niệm Baekbum Kim Gu ở quận Yongsan, Seoul. Lễ kỷ niệm có sự tham gia của khoảng 300 người thuộc các tổ chức dân sự, quan chức Chính phủ và các cụ bà là nạn nhân.

14/8 là ngày cụ bà Kim Hak-sun, một nạn nhân nô lệ tình dục thời chiến, lần đầu tiên đứng ra làm nhân chứng cho toàn thế giới biết sự thật về việc đế quốc Nhật bắt ép phụ nữ để mua vui cho binh lính trong Thế chiến II, tại một cuộc họp báo năm 1991. Kể từ tháng 12 năm 2012 đến nay, các tổ chức dân sự lấy ngày 14/8 làm "Ngày của nạn nhân nô lệ tình dục thời chiến trên thế giới".

Sau đó, bắt đầu từ năm 2018, ngày 14/8 được Chính phủ chỉ định là "Ngày kỷ niệm quốc gia tôn vinh các nạn nhân nô lệ tình dục thời đế quốc Nhật", và tổ chức lễ kỷ niệm hàng năm.

Ngoài ra, trong ngày 14/8, lễ khánh thành bức tượng "Thiếu nữ Hòa bình" và nhiều cuộc biểu tình liên quan, đã diễn ra khắp nơi trên cả nước.

Hiện tại, trên tổng số 240 người đăng ký với Chính phủ là nạn nhân bị ép mua vui cho binh lính Nhật thời chiến, chỉ còn 20 cụ bà còn sống.

Lựa chọn của ban biên tập