Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Kinh tế

Chính phủ xúc tiến trọng điểm chính sách "phương Bắc mới" trong năm 2020

Write: 2020-01-20 12:03:46Update: 2020-01-20 17:56:05

Chính phủ xúc tiến trọng điểm chính sách

Photo : YONHAP News

Chủ trì Hội nghị các Bộ trưởng Kinh tế đối ngoại sáng 20/1, Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế kiêm Bộ trưởng Kế hoạch và tài chính Hong Nam-ki tuyên bố trong năm nay, Chính phủ sẽ xúc tiến trọng điểm chính sách "phương Bắc mới" để mở ra chân trời mới trong quan hệ hợp tác kinh tế với các quốc gia phương Bắc, đưa năm 2020 thành năm đầu tiên đạt thành quả thực chất cho chính sách này. 

Để làm được điều này, Chính phủ sẽ mở rộng và sửa đổi "Hệ thống hợp tác 9 cây cầu", đẩy mạnh hợp tác với Nga ở 9 lĩnh vực là đường sắt, điện, đóng tàu, gas, cảng biển, tuyến đường biển Bắc Cực, nông lâm, thủy sản, khu công nghiệp.

Chính phủ sẽ lập mô hình hợp tác trung và dài hạn với các quốc gia phương Bắc khác như khu vực Trung Á, Mông Cổ, xây dựng "vành đai" Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương với các quốc gia này.

Trong năm nay, Chính phủ sẽ nỗ lực đạt thỏa thuận hoàn toàn Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), và các FTA song phương như Hàn-Philippines, Hàn-Nga; hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp xuất khẩu quy mô 240.500 tỷ won (207,3 triệu USD), đưa kim ngạch xuất khẩu với các quốc gia phương Bắc tăng trở lại trong năm nay.

Tại hội nghị, Chính phủ cũng đã thảo luận phương án xúc tiến hợp tác kinh tế với Trung Quốc. Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ loại bỏ tối đa những rào cản trong giao lưu, hợp tác Hàn-Trung, thúc đẩy giao lưu văn hóa, nhân lực giữa hai nước, tích cực tạo ra những cơ hội cùng có lợi cho cả đôi bên ở các lĩnh vực quan tâm chung, như hợp tác dịch vụ, ngành công nghiệp mới, hạ tầng tại nước ngoài.

Ngoài ra, Chính phủ sẽ khởi xướng thảo luận về kinh tế số, tăng trưởng đổi mới tại các sự kiện song phương và đa phương, như Hội nghị thượng đỉnh nhóm 20 nền kinh tế lớn (G20), phiên họp toàn thể của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng thế giới (WB), trong đó tận dụng những điểm mạnh của Hàn Quốc làm đòn bẩy trong quá trình thảo luận, đạt lợi ích cao nhất cho quốc gia.

Chính phủ đặt mục tiêu thúc đẩy nền kinh tế thông qua những nỗ lực khắc phục điều kiện trong và ngoài nước như trên. Đồng thời, Chính phủ cũng sẽ không lơ là cảnh giác trước các yếu tố rủi ro tiềm ẩn bên ngoài, như bất ổn từ việc Mỹ và Trung Quốc triển khai đàm phán thương mại giai đoạn hai.

Lựa chọn của ban biên tập