Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Quốc tế

Báo Mỹ chỉ trích sáng kiến hai miền Nam-Bắc đồng chạy đua giành quyền đăng cai Olympic 2032

Write: 2020-01-20 13:44:02Update: 2020-01-20 18:04:59

Báo Mỹ chỉ trích sáng kiến hai miền Nam-Bắc đồng chạy đua giành quyền đăng cai Olympic 2032

Photo : YONHAP News

Tờ Bưu điện Washington của Mỹ ngày 19/1 (giờ địa phương) nhận định sáng kiến hai miền Nam-Bắc đồng chạy đua giành quyền đăng cai Olympic mùa hè 2032 là quá xa vời.  

Cụ thể, ông Simon Denyer, Giám đốc Văn phòng Tokyo của tờ Bưu điện Washington, đã đăng một bài báo đề cập tới sáng kiến này của Tổng thống Moon Jae-in trong bài phát biểu chúc mừng năm mới, và đưa ra nhận định dựa trên ý kiến của các chuyên gia về nhân quyền Bắc Triều Tiên.

Ông Denyer cho biết tháng 9 năm 2018, lãnh đạo hai miền Nam Bắc đã lên ý tưởng cùng chạy đua giành quyền đăng cai Olympic 2032, nhưng đó là thời điểm quan hệ liên Triều đang hết sức tốt đẹp. Sang năm 2019, sau thất bại của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Hà Nội, Bắc Triều Tiên hiện đang từ chối đối thoại với Chính phủ miền Nam.

Các chuyên gia đều cho rằng để tổ chức một sự kiện thể thao quy mô lớn như Olympic, quan hệ hai miền Nam-Bắc cần phải ổn định để hai bên có đủ thời gian hợp tác trong vài năm. Việc đảm bảo cho giới truyền thông và hàng triệu người dân thế giới được tự do theo dõi các nội dung Olympic, dù trong những điều kiện tối thiểu nhất, cũng là điều hết sức xa vời. Đặc biệt, tình hình nhân quyền tại Bắc Triều Tiên sẽ là rào cản rất lớn.

Chủ tịch Quỹ Diễn đàn quốc phòng của Mỹ Suzanne Scholte, một nhà hoạt động nhân quyền Bắc Triều Tiên, chỉ trích sáng kiến này là "vô đạo đức", nhắm mắt bỏ qua những hành vi chà đạp nhân quyền tàn bạo đang diễn ra tại miền Bắc, làm xấu đi hình ảnh của chính Hàn Quốc.

Phó Giám đốc Phụ trách khu vực châu Á của Tổ chức giám sát nhân quyền (HRW) Phil Robertson cho rằng Tổng thống Moon Jae-in đang ảo tưởng về Bắc Triều Tiên. Nếu giành được quyền đăng cai Olympic, chính quyền miền Bắc sẽ huy động người dân nước này xây dựng sân vận động, dẫn tới trường hợp tương tự như Qatar, từng bị chỉ trích là lạm dụng lao động nhập cư xây sân vận động Olympic.

Bài báo trên cũng nhắc lại vụ việc sinh viên người Mỹ Otto Warmbier, từng bị Bắc Triều Tiên bắt giam 17 tháng vì ăn trộm một khẩu hiệu tuyên truyền khi du lịch miền Bắc năm 2016, được trao trả về nước trong trạng thái hôn mê rồi qua đời sau đó chưa đầy một tuần.

Lựa chọn của ban biên tập