Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Kinh tế

Chính phủ hỗ trợ vốn khẩn cấp cho các doanh nghiệp hàng không, vận tải biển, du lịch

Write: 2020-02-17 13:48:44Update: 2020-02-17 18:56:40

Photo : YONHAP News

Chủ trì Hội nghị Bộ trưởng kinh tế về công tác đối phó dịch corona-19 kiêm Hội nghị Bộ trưởng hữu quan về quy chế xuất khẩu của Nhật Bản ngày 17/2, Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế kiêm Bộ trưởng Kế hoạch và tài chính Hàn Quốc Hong Nam-ki cho biết Chính phủ sẽ lập chương trình hỗ trợ vốn khẩn cấp quy mô tối đa 300 tỷ won (254 triệu USD) cho các hãng hàng không giá rẻ. 

Chính phủ cũng sẽ gia hạn thời hạn nộp phí sử dụng hạ tầng hàng không trong vòng tối đa ba tháng đối với những hãng hàng không giá rẻ phải tạm dừng hoặc giảm số đường bay do ảnh hưởng của dịch corona-19.

Với giới doanh nghiệp vận tải biển, Chính phủ sẽ lập mới khoản vốn hỗ trợ kinh doanh khẩn cấp quy mô 60 tỷ won (50,7 triệu USD), miễn giảm tối đa 100% phí sử dụng hạ tầng cảng biển và tiền thuê bến tàu khách trong thời gian các hãng phải tạm dừng vận tải hành khách do dịch bệnh.

Ở lĩnh vực du lịch, Chính phủ sẽ hỗ trợ vốn vay đặc biệt không cần bảo lãnh quy mô 50 tỷ won (42,3 tỷ triệu USD), lãi suất thấp 1%, để giúp các doanh nghiệp lữ hành vừa và nhỏ giải tỏa khó khăn về vốn. Ngoài ra, Chính phủ cũng sẽ mở rộng đối tượng được hưởng hỗ trợ vốn vay thông thường quy mô tối đa 3 tỷ won (2,5 triệu USD), kéo dài thời gian đáo hạn tối đa một năm nếu có đề nghị từ doanh nghiệp. Các khách sạn, nhà nghỉ sẽ được miễn giảm thuế tài sản. Với các nhà hàng ăn uống, Chính phủ sẽ mở rộng quy mô hỗ trợ vốn hiện đang là 10 tỷ won (8,4 triệu USD), và giảm 0,5% lãi suất cho vay.

Phó Thủ tướng một lần nữa kêu gọi sự đồng lòng, hợp sức của khối Nhà nước và tư nhân nhằm giảm thiểu thiệt hại kinh tế từ dịch corona-19, đưa các hoạt động kinh tế quay trở lại bình thường.

Liên quan tới việc Chính phủ Nhật Bản siết chặt quy chế xuất khẩu với ba mặt hàng vật liệu công nghệ cao sang Hàn Quốc hồi năm ngoái, Phó Thủ tướng đánh giá tình hình sản xuất, xuất khẩu các vật liệu liên quan vẫn đang ổn định, doanh nghiệp trong nước chưa bị thiệt hại lớn. Tuy nhiên, Chính phủ sẽ tiếp tục hối thúc Nhật Bản rút lại quy chế này, đồng thời nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành vật liệu, linh kiện, trang thiết bị trong nước, cải thiện "thể chất" cho nền kinh tế, duy trì vững chắc chuỗi giá trị.

Lựa chọn của ban biên tập