Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Kinh tế

KITA: "Căng thẳng Mỹ-Trung liên quan đến Luật An ninh quốc gia áp dụng với Hong Kong ảnh hưởng tiêu cực lên xuất khẩu Hàn Quốc"

Write: 2020-05-29 15:09:06Update: 2020-05-29 17:44:59

KITA:

Photo : YONHAP News

Viện nghiên cứu thương mại quốc tế thuộc Hiệp hội thương mại Hàn Quốc (KITA) ngày 29/5 đã công bố tài liệu phân tích những ảnh hưởng của mâu thuẫn Mỹ-Trung liên quan đến Luật An ninh quốc gia Trung Quốc áp đặt với Hong Kong lên xuất khẩu của các doanh nghiệp Hàn.  

Dự thảo Luật An ninh quốc gia mới của Trung Quốc đã được thông qua tại Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc hôm 22/5 vừa qua, với nội dung chính là ngăn chặn, chấm dứt và trừng phạt những hành động ở Hong Kong được cho là đe dọa an ninh quốc gia, mang tính phá hoại, đòi ly khai, hay yêu cầu nước ngoài can thiệp. 

Mỹ đã ngay lập tức lên tiếng phản đối động thái này, và dọa sẽ rút lại các đặc quyền giao thương với Hong Kong, vốn được xây dựng với điều kiện tiên quyết là Hong Kong có "quyền tự trị" tách biệt với Trung Quốc về các vấn đề cấp visa, thu hút đầu tư hay thực thi pháp luật.

Chính nhờ những đặc quyền này mà Hong Kong đã vươn mình, tăng trưởng trở thành trung tâm kết nối các lĩnh vực tài chính, tín dụng và phân phối hàng hóa trong khu vực châu Á. Các doanh nghiệp quốc tế lựa chọn Hong Kong bởi những ưu điểm như thuế thu nhập doanh nghiệp thấp, tỷ giá hối đoái luôn ổn định, các cơ sở tàu cảng, hàng không, kho bãi đều đầy đủ.

Theo số liệu thống kê hiện nay, Hong Kong tái xuất khẩu đến 89% lượng nhập khẩu, và có đến 50% tổng lượng nhập khẩu vào đây được tái xuất về Trung Quốc. 

KITA cho rằng nếu bị tước những đặc quyền này, Hong Kong sẽ bị Mỹ áp dụng mức thuế quan tối đa 25%, tương đương với Trung Quốc hiện nay. Điều này có nghĩa là Hong Kong sẽ mất đi vị thế kinh tế vốn có, kéo theo đó là sự "thất thoát" phần lớn vốn đầu tư nước ngoài vào đây, và đương nhiên là không tránh khỏi ảnh hưởng tới xuất khẩu sang thị trường Mỹ. 

Với Hàn Quốc, Hong Kong hiện là thị trường xuất khẩu quy mô lớn thứ 4. Có đến 114% danh mục hàng hóa Hàn Quốc xuất sang Hong Kong được tái xuất khẩu, 98% trong số đó là sang thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, lượng tái xuất sang Mỹ chỉ chiếm khoảng 1,7%, nên nếu Mỹ thu hồi cơ chế ưu đãi với nước này thì sẽ không quá ảnh hưởng đến xuất khẩu của Hàn Quốc.

Dù vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu Hàn Quốc không thể tránh khỏi khó khăn tạm thời nếu không tận dụng được điểm trung chuyển đầy ưu đãi này.

Với chip bán dẫn, các doanh nghiệp có thể xuất khẩu trực tiếp sang Trung Quốc bởi sản phẩm này vốn chỉ bị đánh thuế xuất khẩu. Đương nhiên, các doanh nghiệp vừa và nhỏ thời gian đầu sẽ không thể tránh khỏi một số khó khăn như phải đầu tư thêm chi phí hậu cần, tìm kiếm đường vận chuyển hàng không để thay thế.

Nhưng quy định thông quan và kiểm dịch vào Trung Quốc với các mặt hàng mỹ phẩm và nông thủy sản khắt khe hơn nhiều so với Hong Kong, nên chắc chắn sẽ gây khó khăn cho các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực này.

KITA nhận định nếu căng thẳng Mỹ-Trung tiếp tục leo thang, nhiều khả năng Washington sẽ thu hồi cơ chế đặc quyền đối với Hong Kong, và Hàn Quốc sẽ phải đối mặt với những hệ lụy tiêu cực như trên.

Tuy nhiên, một số ý kiến lại cho rằng đây có thể là cơ hội cho Hàn Quốc, bởi nếu mất đi điểm trung chuyển Hong Kong, các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ thất thế hơn so với đối thủ Hàn Quốc trong xuất khẩu sang Mỹ, nhất là ở các mặt hàng dầu mỏ và chế phẩm dầu mỏ, hàng điện tử, y tế, thiết bị quang học, sắt thép, sản phẩm nhựa.

Trong bối cảnh Mỹ ngày càng gây khó khăn cho các doanh nghiệp Trung Quốc, Hiệp hội thương mại Hàn Quốc (KITA) kỳ vọng thị phần của các sản phẩm smartphone, thiết bị thông tin và truyền thông mang thương hiệu Hàn Quốc sẽ tăng lên.

Lựa chọn của ban biên tập