Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Quan hệ liên Triều

Gần một nửa dân số Bắc Triều Tiên suy dinh dưỡng

Write: 2020-06-03 15:00:40Update: 2020-06-03 16:05:13

Gần một nửa dân số Bắc Triều Tiên suy dinh dưỡng

Photo : YONHAP News

Theo "Bảng Hệ thống thực phẩm" (The Food System Dashboard) do Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), trường Đại học Johns Hopkins (Mỹ) và Liên minh cải thiện dinh dưỡng toàn cầu (GAIN) công bố hôm 3/6, có tới 48% dân số Bắc Triều Tiên suy dinh dưỡng tính đến năm 2017.

Con số này cao gấp 4 lần mức suy dinh dưỡng trung bình của toàn thế giới (11%), và vượt xa mức trung bình ở khu vực Đông Á (8,4%).

Tình trạng suy dinh dưỡng của người dân miền Bắc đang ngày càng trầm trọng. Năm 2013, tỷ lệ suy dinh dưỡng của nước này là 43%, năm 2015 là 44% và năm 2016 tăng lên 46%. Các chuyên gia phân tích do tình hình canh tác, phát triển nông nghiệp chậm chạp, tỷ lệ suy dinh dưỡng của Bắc Triều Tiên không có dấu hiệu cải thiện.

Năm 2017, sản lượng thu hoạch ngũ cốc của miền Bắc chỉ đạt 4 tấn/ha (10.000m2), bằng hai phần ba sản lượng thu hoạch ngũ cốc trung bình của Đông Á (5,99 tấn/ha).

Đến năm 2018, sản lượng thu hoạch rau củ quả trung bình ở miền Bắc đạt 119 tấn/ha, trong khi ở khu vực Đông Á là 229 tấn/ha và trên thế giới là 188 tấn/ha. 

Lượng tiêu thụ thịt trung bình cũng rất thấp. Năm 2017, lượng tiêu thụ thịt trung bình (trừ gia cầm) của một người Bắc Triều Tiên trên 25 tuổi chỉ đạt 5,7g/ngày, trong khi ở Hàn Quốc là 42g/ngày, và trên thế giới là 24g/ngày.

Dù báo cáo không đề cập tình hình ở Bắc Triều Tiên sau năm 2018, nhưng có vẻ nạn thiếu lương thực ở nước này đã trở thành "mãn tính" do các biện pháp trừng phát kéo dài và hậu quả của biến đổi khí hậu như hạn hán, bão lụt. 

Đầu năm nay, FAO đã lựa chọn Bắc Triều Tiên là một trong 44 nước cần hỗ trợ lương thực từ bên ngoài. Tổ chức giám sát nông nghiệp toàn cầu từ vệ tinh quan sát Trái đất (GEOGLAM) cũng đự đoán sản lượng nông nghiệp sẽ đạt mức dưới bình quân hàng năm.

"Bảng Hệ thống thực phẩm" do Liên minh cải thiện dinh dưỡng toàn cầu và trường Đại học Johns Hopkins phát triển với mục đích tập hợp thông tin dinh dưỡng từ nhiều nguồn để đánh giá số liệu dinh dưỡng liên quan đến các nước đang phát triển.

Lựa chọn của ban biên tập