Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Trong nước

Tình hình dịch COVID-19 một tháng sau khi Hàn Quốc chuyển sang cơ chế "phòng dịch trong đời sống"

Write: 2020-06-05 11:39:12Update: 2020-06-05 18:38:04

Tình hình dịch COVID-19 một tháng sau khi Hàn Quốc chuyển sang cơ chế

Photo : YONHAP News

Ngày 6/6 là tròn một tháng Chính phủ Hàn Quốc chuyển đổi cơ chế phòng dịch COVID-19 từ "giãn cách xã hội" sang "phòng dịch trong đời sống", tức vừa giãn cách xã hội vừa duy trì nhịp sống thường ngày, sau khi nhận định dịch bệnh đã được kiểm soát ổn định. 

Tuy nhiên, trong một tháng qua đã liên tiếp phát sinh nhiều ca lây nhiễm tập thể liên quan tới các vũ trường ở khu phố Itaewon, thủ đô Seoul, trung tâm phân phối hàng hóa của trang mua sắm trực tuyến Coupang, các nhà thờ ở tỉnh Gyeonggi và thành phố Incheon, đặt thủ đô Seoul và các địa phương lân cận vào tình trạng báo động.

Cơ quan phòng dịch đang dốc toàn lực để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, nhận định thời gian từ nay tới cuối tuần sau sẽ là "bước ngoặt quan trọng", quyết định dịch COVID-19 có lây lan rộng trở lại trên phạm vi toàn quốc hay không. Nếu từ nay tới lúc đó không ngăn chặn được xu hướng lây lan ở thủ đô Seoul và các địa phương lân cận, có thể Hàn Quốc sẽ phải quay lại thực hiện "giãn cách xã hội".

Ủy ban đối sách phòng dịch trung ương thuộc Cơ quan quản lý dịch bệnh Hàn Quốc (CDC) ngày 5/6 cho biết trong tuần cuối cùng giãn cách xã hội (29/4-5/5), số ca nhiễm bình quân mỗi ngày là 7,43 ca. Nhưng trong một tuần gần đây (27/5-2/6), số ca nhiễm mới đã tăng gấp 6 lần, đạt bình quân 45,14 ca. Do ảnh hưởng của vụ lây nhiễm liên quan tới trung tâm phân phối hàng hóa của Coupang, số ca nhiễm ngày 28/5 vừa qua lên tới 79 người, lần đầu tiên vượt ngưỡng 70 người trong vòng 53 ngày từ sau ngày 5/4 (81 người). 

Đây cũng là lần đầu tiên từ sau ngày 8/4 (53 ca), số ca nhiễm mới vượt ngưỡng 50 người. Một trong những mục tiêu của Chính phủ khi chuyển đổi sang cơ chế phòng dịch trong đời sống là giảm số ca nhiễm mới hàng ngày xuống dưới 50 ca.

Theo kết quả phân tích 507 ca nhiễm mới từ ngày 21/5 tới 4/6 của Ủy ban đối sách phòng dịch trung ương, có 71,8% là lây nhiễm tập thể, trong đó 96,2% tập trung ở khu vực Seoul và các địa phương lân cận. Do đó, hệ số lây nhiễm COVID-19 ở Seoul và các địa phương lân cận đã tăng gấp 4 lần lên 1,9 chỉ trong một tháng. Trước khi bùng phát vụ lây nhiễm tập thể ở khu phố Itaewon, hệ số lây nhiễm chỉ dừng ở mức 0,5. Hệ số lây nhiễm thể hiện một bệnh nhân có thể truyền virus cho bao nhiêu người.  

Chính phủ đã khuyến cáo các cơ sở công cộng như viện bảo tàng ở thủ đô Seoul và các địa phương lân cận tạm dừng hoạt động, những địa điểm có nguy cơ lây nhiễm cao như tụ điểm vui chơi giải trí, trung tâm dạy thêm, quán internet hạn chế hoạt động từ 29/5-14/6.

Số ca nhiễm gia tăng trở lại ở Seoul và các địa phương lân cận được phân tích là do các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng trước và sau kỳ nghỉ lễ vàng đầu tháng 5. Chủ tịch Ủy ban đối sách phòng dịch trung ương Jung Eun-kyeong nhấn mạnh trong trường hợp không chặn đứng được xu hướng lây lan ở Seoul và các địa phương lân cận, Chính phủ sẽ cần thực hiện các biện pháp quyết liệt hơn nữa, đề nghị người dân hoãn các buổi tụ tập, tuân thủ quy tắc phòng dịch như rửa tay, đeo khẩu trang, đảm bảo khoảng cách 2m với người khác.

Ủy ban đối sách phòng dịch trung ương cho biết tính tới 0 giờ ngày 5/6, Hàn Quốc ghi nhận 39 ca nhiễm mới, nâng tổng số bệnh nhân COVID-19 trong nước lên 11.668 người. 39 ca mới này gồm 38 ca trong nước và 1 ca phát hiện trong quá trình kiểm dịch nhập cảnh. Số ca tử vong vẫn giữ nguyên so với hôm trước là 274 người.

Xét theo khu vực, có 15 ca nhiễm ở Seoul, 13 ca ở tỉnh Gyeonggi, 6 ca ở thành phố Incheon, thành phố Daegu và tỉnh Bắc Gyeongsang mỗi nơi 2 ca. 

Số ca nhiễm mới đã có chiều hướng giảm từ ngày 28/5 tới 31/5, từ 79 ca xuống 58, 39 và 27 ca. Nhưng bước sang tháng 6, số ca nhiễm lại tăng trở lại do vụ lây nhiễm liên quan đến các nhà thờ ở Seoul và lân cận thủ đô. Số ca nhiễm ngày 1/6 là 35 ca, 2/6 là 38 ca, 3/6 là 49 ca, 4/6 là 39 ca, 5/6 là 39 ca, duy trì ngưỡng 30-40 người.

Lựa chọn của ban biên tập