Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Kinh tế

Doanh thu cửa hàng ở thủ đô Seoul năm 2020 giảm 9% do dịch COVID-19

Write: 2021-02-22 13:25:18Update: 2021-02-22 13:25:35

Doanh thu cửa hàng ở thủ đô Seoul năm 2020 giảm 9% do dịch COVID-19

Photo : YONHAP News

Chính quyền thành phố Seoul ngày 22/2 đã công bố kết quả phân tích dữ liệu lớn (big data) về ảnh hưởng của dịch COVID-19 đối với doanh thu theo từng lĩnh vực và tiêu dùng của người dân trong một năm qua.

Năm ngoái, doanh thu của các cửa hàng tại thủ đô Seoul đạt 91.000 tỷ won (82,29 tỷ USD), giảm khoảng 9.000 tỷ won (8,14 tỷ USD) so với mức 100.000 tỷ won (90,43 tỷ USD) của năm 2019, mức giảm 9%. Nguyên nhân được phân tích là do ba đợt bùng phát dịch COVID-19 và lệnh giãn cách xã hội của Chính phủ.

Làn sóng lây nhiễm lần thứ ba bùng phát cuối năm trùng với thời điểm doanh thu cao điểm, dẫn đến quy mô sụt giảm doanh thu càng tăng. Chỉ trong tuần cuối cùng của tháng 12, doanh thu giảm 800 tỷ won (722,6 triệu USD) so với cùng kỳ một năm trước. Tuy nhiên, doanh thu vào cuối tháng 5 và đầu tháng 6 lại tăng so với cùng kỳ năm 2019 do người nhân nhận được chi trả hỗ trợ khẩn cấp và nhu cầu tiêu dùng gia tăng trong dịp nghỉ lễ.

Xét theo từng lĩnh vực, doanh thu ngành kinh doanh đồ ăn Hàn Quốc giảm 2.590,8 tỷ won (2,34 tỷ USD), dịch vụ ăn uống khác (bao gồm nhà hàng, quán cà phê) giảm 1.145,7 tỷ won (1,04 tỷ USD), trung tâm dạy thêm giảm 541,1 tỷ won (489 triệu USD), ngành kinh doanh quần áo, thời trang giảm 514 tỷ won (464,74 triệu USD).

Doanh thu của các cửa hàng miễn thuế giảm 82,4% so với năm 2019, mức giảm cao nhất; tiếp theo là doanh nghiệp lữ hành giảm 64,6%, cơ sở giải trí tổng hợp giảm 53,9%, quán rượu, quán bar giảm 52,9%, các doanh nghiệp giải trí khác giảm 51,8%.

Chi tiêu bằng thẻ tín dụng giảm 2,9% so với năm 2019, giảm mạnh vào tháng 3, 4 và 12. Tiêu dùng trực tuyến qua thẻ đạt 3.900 tỷ won (3,52 tỷ USD), tăng 18,4% so với một năm trước, ngược lại thanh toán trực tiếp qua thẻ đạt 7.400 tỷ won (6,69 tỷ USD), giảm 7,5% so với năm 2019.

Xét theo độ tuổi, nhóm tuổi 30 và 40 giảm chi tiêu qua thẻ thanh toán trực tiếp, tăng mạnh chi tiêu thanh toán trên trực tuyến. Tiêu dùng qua mạng đã tăng liên tục kể từ tháng 3 năm ngoái ở tất cả các độ tuổi và chi tiêu trực tuyến trong tháng 12 năm ngoái đã tăng hơn 20% so với năm 2019.

Lựa chọn của ban biên tập