Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Quốc tế

Mỹ, Anh, Australia tuyên bố thiết lập quan hệ hợp tác an ninh ba bên AUKUS

Write: 2021-09-16 10:44:30Update: 2021-09-20 14:00:47

Mỹ, Anh, Australia tuyên bố thiết lập quan hệ hợp tác an ninh ba bên AUKUS

Photo : YONHAP News

Tại buổi họp báo ngày 15/9 (giờ địa phương), quan chức cấp cao Chính phủ Mỹ công bố đã thiết lập mối quan hệ hợp tác an ninh ba bên ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương với Anh và Australia (còn gọi tắt là AUKUS), đồng thời quyết định cung cấp công nghệ tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân cho Australia.

AUKUS ra đời nhằm tăng cường và liên kết khả năng của ba nước Mỹ-Anh-Australia trong khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương dựa trên mối quan hệ đồng minh lâu dài. Cụ thể, ba nước sẽ xúc tiến cuộc họp của quan chức cấp cao về chính sách ngoại giao, hợp tác trên các lĩnh vực không gian mạng, trí tuệ nhân tạo, năng lực hoạt động dưới nước, tăng cường chia sẻ công nghệ thông tin. 

Đặc biệt, quan chức này cho biết sáng kiến đầu tiên của AUKUS là hỗ trợ Australia sở hữu tàu ngầm hạt nhân. Ba bên quyết định thành lập cơ chế thảo luận với các cơ quan hữu quan, tiến hành nghiên cứu chung trong 18 tháng để tìm ra phương án tối ưu. Tuy nhiên, đây là công nghệ “cực kỳ nhạy cảm”, nằm ngoài chính sách của Washington. Do đó, đây có thể được coi là ngoại lệ duy nhất và sẽ không có trường hợp tương tự với nước khác trong tương lai. Phát biểu này gây nhiều chú ý khi Hàn Quốc cũng có ý định phát triển tàu ngầm hạt nhân.

Tiếp đó, quan chức này nhấn mạnh nỗ lực của Mỹ nhằm duy trì hòa bình và ổn định ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, bao gồm mối quan hệ đối tác an ninh song phương mạnh mẽ với các nước trong khu vực châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan và Philippines, cũng như tham gia mạnh mẽ với các đối tác mới như Việt Nam, Ấn Độ.

Có phân tích cho rằng quan hệ hợp tác an ninh ba bên AUKUS nhằm kìm hãm và răn đe Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh leo thang. Tuy nhiên, quan chức Mỹ khẳng định AUKUS nhằm mang lại lợi ích chiến lược trong việc duy trì nguyên tắc, trật tự cơ bản và thúc đẩy hòa bình, ổn định khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, chứ không nhằm vào bất kỳ quốc gia cụ thể nào.

Giải thích cho sự tham gia của Anh chứ không phải một nước trong khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, quan chức này cho biết Anh có quan hệ lịch sử sâu sắc với châu Á và có mong muốn làm được nhiều điều hơn nữa trong tương lai.

Lựa chọn của ban biên tập