Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Chính trị

Tổng kết 5 năm cầm quyền của Chính phủ Tổng thống Moon Jae-in

Write: 2022-05-09 14:14:52Update: 2022-05-09 18:40:11

Photo : YONHAP News

Ngày 9/5 là ngày cuối cùng trong nhiệm kỳ 5 năm cầm quyền của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Chính phủ Tổng thống Moon Jae-in được ra đời từ cuộc biểu tình thắp nến yêu cầu cựu Tổng thống Park Geun-hye từ chức. Trong bài phát biểu nhậm chức ngày 10/5/2017, ông Moon nhấn mạnh cơ hội là bình đẳng trong chính quyền mới, mọi quá trình sẽ được diễn ra một cách công bằng, kết quả sẽ được đánh giá đúng đắn. Chính phủ mới đã ra mắt trong sự kỳ vọng lớn của dân chúng. 

Thời điểm năm 2017, quan hệ liên Triều rơi vào căng thẳng tột độ, Bắc Triều Tiên liên tiếp khiêu khích tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), thử nghiệm hạt nhân lần thứ 6. Tuy nhiên, tình hình đã được xoay chuyển nhân Thế vận hội mùa đông PyeongChang đầu năm 2018. Kết quả là lãnh đạo hai miền Nam-Bắc đã hội đàm thượng đỉnh tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm vào ngày 27/4/2018. Không chỉ dừng lại ở đây, Tổng thống Moon Jae-in đã thăm Bình Nhưỡng và hội đàm với Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Bắc Triều Tiên Kim Jong-un vào ngày 19/9 cùng năm. Khi đó, Tổng thống nhấn mạnh hai miền Nam-Bắc đã cùng chung sống suốt 5.000 năm, nhưng rồi lại bị chia cắt trong 70 năm qua. Ông Moon đề xuất hai miền thống nhất làm một, để tiến một bước lớn vì hòa bình dân tộc.

Tuy nhiên, sau thất bại của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai tại Hà Nội tháng 2/2019, Bắc Triều Tiên đã cho phá nổ Văn phòng liên lạc liên Triều nằm trong khu công nghiệp liên Triều Gaesung, miền Bắc vào tháng 6/2020, rồi tiếp theo là phá vỡ cam kết dừng phóng tên lửa ICBM trong năm nay. Tình hình bán đảo Hàn Quốc được đánh giá là đã quay trở lại trạng thái tương tự cách đây 5 năm.

Một vấn đề không thể không nhắc tới khi đánh giá về Chính phủ Tổng thống Moon Jae-in đó là lĩnh vực bất động sản. Mặc dù ông Moon tuyên bố sẽ không lặp lại thất bại về chính sách như thời Chính phủ cựu Tổng thống Roh Moo-hyun, nhưng kết quả lại trái ngược. Tổng thống chuyển từ lập trường tự tin, sang tự kiểm điểm, rồi sau đó là phân trần. 

Trong buổi đối thoại với người dân trên sóng truyền hình ngày 19/11/2019, ông Moon nhấn mạnh Chính phủ đương nhiệm tự tin về vấn đề bất động sản. Tuy nhiên, tới buổi họp báo kỷ niệm 4 năm nhiệm kỳ vào ngày 10/5/2021, Tổng thống lại "không còn lời nào để nói" về vấn đề bất động sản. Gần đây nhất là trong bài phỏng vấn với đài JTBC vào ngày 25/4 vừa qua, ông Moon cho rằng sự tăng giá bất động sản là hiện tượng chung trên toàn thế giới.

Về việc đối phó với dịch COVID-19, vừa có ý kiến ca ngợi công tác phòng dịch của Chính phủ đương nhiệm đã thành công, thể hiện ở tỷ lệ tử vong thấp; nhưng bên cạnh đó cũng có ý kiến cho rằng Chính phủ còn thiếu sót trong việc bù đắp thiệt hại cho hộ kinh doanh nhỏ lẻ.

Mặt khác, việc một số nhân sự trong Chính phủ đương nhiệm dính vào các vụ bê bối, nghi ngờ, trong đó tiêu biểu là vụ lùm xùm liên quan tới cựu Bộ trưởng Tư pháp Cho Kuk, đã trở thành nhân tố cản trở Chính phủ đương nhiệm tới tận cuối nhiệm kỳ. 

Trong bài phỏng vấn ngày 25/4, Tổng thống Moon xin lỗi về việc một số nhân sự chưa đáp ứng được yêu cầu của người dân. Ông cũng thừa nhận chính điều này đã ảnh hưởng tới kết quả cuộc bầu cử Tổng thống vừa qua.

Rốt cuộc, người mà ông Moon từng bổ nhiệm làm Viện trưởng Viện Kiểm sát tối cao lại trở thành ứng cử viên Tổng thống của đảng đối lập và đắc cử. Tổng thống bình luận rằng đây là một tình huống "trớ trêu".

Phủ Tổng thống cũng đánh giá mặc dù đã ra mắt ngay sau vụ luận tội cựu Tổng thống Park Geun-hye mà không có thời gian hoạt động của Ủy ban chuyển giao chính quyền, nhưng Chính phủ đương nhiệm đã khắc phục được nhiều cuộc khủng hoảng. Chính phủ đã đạt được thành quả rõ rệt về kinh tế, thể hiện ở nhiều chỉ số, như kim ngạch xuất khẩu hay thu nhập người dân đạt 30.000 USD.

Đặc biệt, tới cuối nhiệm kỳ, Tổng thống Moon vẫn duy trì được tỷ lệ ủng hộ ở ngưỡng 40%, điều chưa từng có tiền lệ. Có lẽ vì vậy mà đã xảy ra nhiều mâu thuẫn giữa Chính phủ đương nhiệm với Chính phủ mới về các vấn đề như di dời văn phòng làm việc của Tổng thống, bổ nhiệm nhân sự, thu hẹp quyền điều tra của Viện Kiểm sát.

Lựa chọn của ban biên tập