Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Chính trị

Hàn Quốc chính thức tham gia sáng kiến "Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ-Thái Bình Dương"

Write: 2022-05-24 13:49:40Update: 2022-05-24 18:28:30

Photo : YONHAP News

Hội nghị thượng đỉnh tuyên bố ra mắt sáng kiến "Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ-Thái Bình Dương" (IPEF), sáng kiến kinh tế do Mỹ khởi xướng, đã được tổ chức tại Tokyo, Nhật Bản vào ngày 23/5. Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo 13 nước trong khu vực gồm Mỹ, Nhật Bản, Australia, Ấn Độ. 

Tham dự trực tuyến hội nghị, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã nêu ý nghĩa của IPEF, đồng thời cho rằng các quốc gia cần hợp tác để giải quyết cuộc khủng hoảng toàn cầu như tái cơ cấu chuỗi cung ứng và vấn đề biến đổi khí hậu.

Ông Yoon cho biết Hàn Quốc đã đạt được sự tăng trưởng và phát triển mạnh mẽ trên nền tảng tự do dân chủ và hệ thống kinh tế thị trường. Seoul sẽ hợp tác và chia sẻ những kinh nghiệm đang có.

IPEF là cơ chế thảo luận dựa trên các giá trị và chuẩn mực chung. Sáng kiến này tập trung vào 4 chương trình nghị sự chính gồm thương mại toàn cầu, chuỗi cung ứng, trung hòa carbon - cơ sở hạ tầng, chống trốn thuế và tham nhũng.

Hàn Quốc sẽ tham gia hợp tác vào lĩnh vực chuỗi cung ứng công nghệ cao như chíp bán dẫn, xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và năng lượng sạch.

Tổng thống Yoon hy vọng IPEF sẽ được thúc đẩy bởi nguyên tắc mở cửa, bao trùm và minh bạch.

Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng nhấn mạnh tất cả các nước thành viên sẽ chia sẻ mục tiêu chung là tạo ra một khu vực Thái Bình Dương tự do và mở cửa, mang lại sự thịnh vượng và cơ hội lớn hơn cho thế hệ mai sau.

IPEF là sáng kiến về hợp tác kinh tế được Tổng thống Biden công bố lần đầu vào tháng 10 năm ngoái tại Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS), nhằm tăng cường hợp tác về chuỗi cung ứng và hạ tầng với các nước đồng minh, đối tác ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Trên thực tế, IPEF thiên về kìm hãm Trung Quốc, và mang tính chất "đối đầu" với Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), một siêu FTA do Bắc Kinh dẫn dắt nhằm mở rộng tầm ảnh hưởng cũng như lãnh địa kinh tế trong khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương. 

Trả lời phỏng vấn đài CNN (Mỹ), ông Yoon không cho rằng việc Trung Quốc phản ứng nhạy cảm quá mức là điều hợp lý. Việc Seoul tham gia IPEF đã khẳng định mối quan hệ đồng minh Hàn-Mỹ là trục quan trọng trong thời đại cạnh tranh Mỹ-Trung.

Có thể thấy, việc quản lý xung đột có thể xảy ra trong mối quan hệ với Bắc Kinh sẽ trở thành bài toán mới của chính quyền Tổng thống Yoon Suk-yeol trong thời gian tới.

Lựa chọn của ban biên tập