Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Kinh tế

Bất đồng ý kiến giữa Chính phủ và Công đoàn vận tải hàng hóa trong cuộc đàm phán lần hai

Write: 2022-12-01 10:29:46Update: 2022-12-01 21:35:57

Bất đồng ý kiến giữa Chính phủ và Công đoàn vận tải hàng hóa trong cuộc đàm phán lần hai

Photo : YONHAP News

Cuộc tổng đình công của Công đoàn vận tải hàng hóa Hàn Quốc bước sang ngày thứ 8, kể từ ngày 24/11.

Bộ Địa chính và giao thông và phía công đoàn chiều ngày 30/11 đã tiến hành đàm phán lần hai tại trụ sở Chính phủ ở Seoul, nhưng cuộc đàm phán đổ bể chỉ sau 40 phút do hai bên vẫn kiên định với lập trường trước đó, không thể thu hẹp được bất đồng ý kiến.

Bộ trưởng Địa chính và giao thông Won Hee-ryong chỉ ra rằng cuộc gặp chỉ để khẳng định lập trường đúng sai của mỗi bên là vô nghĩa, cho biết có thể xem xét trao đổi lại từ điểm xuất phát.  
 
Bộ Địa chính đã chuyển lệnh cưỡng chế quay trở lại làm việc được Chính phủ ban hành ngày 29/11 vừa qua cho 445 tài xế lái xe chở xi măng. Tuy nhiên, các tài xế tuyên bố sẽ không chấp hành lệnh, tiếp tục đình công. Công đoàn vận tải hàng hóa cho rằng Bộ Địa chính đã vi phạm luật về quy trình tống đạt lệnh khi gửi tin nhắn về lệnh cưỡng chế quay lại làm việc mà không có sự đồng ý trước. 

Trong bối cảnh cuộc tổng đình công của phía công đoàn vận tải kéo dài, ngành công nghiệp đang liên tục bị thiệt hại. Lượng xuất kho xi măng đã rớt xuống dưới 10% so với thông thường, 6 trên 10 công trường xây dựng trên toàn quốc đã phải dừng đổ bê tông. Tuy nhiên, Chính phủ cho biết sau khi lệnh cưỡng chế quay trở lại làm việc được ban, người lao động không thuộc công đoàn đã làm việc trở lại, lượng xuất kho xi măng đã phục hồi về mức 25% so với thông thường.

Hiệp hội xi măng cho biết thiệt hại doanh số lũy kế tính tới ngày 30/11 đã lên tới 95,6 tỷ won (73,4 triệu USD); con số tổn thất chỉ trong ngày 1/12 dự kiến sẽ vượt tổng thiệt hại trong đợt tổng đình công hồi tháng 6 vừa qua.

Hiệp hội thương mại quốc tế Hàn Quốc (KITA) cho biết đã nhận tổng cộng 79 khiếu nại gặp trở ngại tính đến sáng ngày 1/12, trong đó hơn một nửa là tiền phạt do chậm giao hàng hay bị gián đoạn giao dịch với đối tác ở nước ngoài.

Việc cung cấp dầu cũng rơi vào tình trạng báo động. Tính đến chiều 30/11, có 26 trạm xăng dầu trên toàn quốc trong tình trạng hết tồn kho, chủ yếu tập trung ở Seoul, và hai địa phương lân cận thủ đô là tỉnh Gyeonggi và thành phố Incheon. 

Chính phủ đang để ngỏ kế hoạch sẽ mở rộng lệnh cưỡng chế quay trở lại làm việc sang các lĩnh vực khác như xăng dầu, thép và container.

Các tổ chức chủ hàng hóa của 6 ngành nghề, bao gồm cả Hiệp hội xi măng, đã tổ chức họp báo, cho biết ngành công nghiệp đang hứng chịu thiệt hại nghiêm trọng, kêu gọi Công đoàn vận tải hàng hóa dừng đình công.

Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế kiêm Bộ trưởng Kế hoạch và tài chính Choo Kyung-ho trong buổi trao đổi với lãnh đạo các doanh nghiệp vừa và nhỏ ngày 1/12 đã một lần nữa hối thúc Công đoàn vận tải hàng hóa ngừng đình công, cam kết sẽ nỗ lực giảm thiệt hại tối đa cho các doanh nghiệp, xử lý nghiêm những hành vi trái phép cản trở công tác vận tải hàng hóa.

Lựa chọn của ban biên tập