Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Kinh tế

Chênh lệch tài sản giữa các hộ gia đình Hàn Quốc ngày càng nghiêm trọng

Write: 2022-12-07 13:19:22Update: 2022-12-07 18:13:39

Chênh lệch tài sản giữa các hộ gia đình Hàn Quốc ngày càng nghiêm trọng

Photo : YONHAP News

Theo kết quả điều tra tài chính và phúc lợi hộ gia đình năm 2022 của Cục Thống kê quốc gia Hàn Quốc, tính đến cuối tháng 3 năm nay, nhóm 20% hộ gia đình có tài sản nhiều nhất đang sở hữu giá trị tài sản bình quân là 1,65 tỷ won (1,25 triệu USD). 

Quy mô này cao gấp 64 lần so với giá trị tài sản bình quân của nhóm 20% hộ gia đình có tài sản ít nhất là 25,84 triệu won (19.600 USD), mức chênh lệch cao nhất trong lịch sử thống kê liên quan kể từ năm 2012. Cách biệt kỷ lục trước đó là 62,4 lần vào năm 2012.

Trong đó, nhóm 20% hộ gia đình có tài sản nhiều nhất có giá trị tài sản tăng mạnh nhờ giá bất động sản tăng cao, do các hộ này có tỷ trọng sở hữu bất động sản lớn.

Theo Cơ quan về bất động sản Hàn Quốc (REB), giá giao dịch nhà ở trên toàn quốc trong vòng một năm từ tháng 3/2021 tới tháng 3/2022 đã tăng 7,47%. Tài sản của nhóm 20% hộ gia đình đứng đầu đã tăng thêm 137,69 triệu won (104.400 USD), tức tăng 9,1%, trong đó bất động sản tăng 128,53 triệu won (97.400 USD), tăng 10,7%, chiếm phần lớn mức tăng trong tổng tài sản.

Trong khi phần lớn tài sản của nhóm hộ gia đình tài sản nhiều nhất là bất động sản (98,6%), thì tỷ lệ bất động sản ở nhóm hộ gia đình có tài sản ít nhất lại chỉ chiếm 10,1%. Điều này cho thấy cách biệt về bất động sản sở hữu đã dẫn tới khoảng cách về tài sản giữa các hộ gia đình Hàn Quốc.

Tài sản của nhóm 20% hộ gia đình tài sản ít nhất giảm 130.000 won (98 USD), tức 0,5% so với một năm trước, là nhóm duy nhất có tài sản giảm. Cục Thống kê giải thích điều này là do sự gia tăng của số hộ gia đình một thành viên, chủ yếu là thanh niên. 

Xét theo tài sản ròng, tức tài sản trừ đi nợ, thì sự bất bình đẳng tài sản cũng nghiêm trọng hơn so với một năm trước. Hệ số Gini thể hiện sự bất bình đẳng về tài sản ròng đạt 0,606, mức cao kỷ lục trong 10 năm, kể từ sau mức 0,617 vào năm 2012, thời điểm bắt đầu có thống kê này. Hệ số Gini có giá trị từ 0 đến 1, nếu càng gần số 1 thì có nghĩa là mức độ bất bình đẳng càng lớn.

Lựa chọn của ban biên tập