Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Kinh tế

Tiêu dùng Hàn Quốc giảm hơn 5% kể từ sau mùa thu năm 2022

Write: 2023-03-13 15:14:11Update: 2023-03-13 15:33:17

Tiêu dùng Hàn Quốc giảm hơn 5% kể từ sau mùa thu năm 2022

Photo : YONHAP News

Cục Thống kê quốc gia Hàn Quốc ngày 13/3 cho biết chỉ số doanh số bán lẻ thể hiện xu hướng tiêu dùng tháng 1 đạt 103,9 điểm, giảm 5,03% so với mức 109,4 điểm vào tháng 8/2022.

Chỉ số doanh số bán lẻ là kết quả khảo sát về doanh số của 2.700 doanh nghiệp buôn bán sản phẩm cá nhân hoặc tiêu dùng, tính bằng kim ngạch cố định, là hiệu số của doanh thu vãng lai và các yếu tố gây biến động giá tiêu dùng, trừ đi các biến số như mùa màng, dịp lễ Tết, số ngày làm việc, từ đó cho thấy mức tiêu dùng thực tế của một nền kinh tế, không liên quan đến các yếu tố mùa màng và tỷ lệ lạm phát. 

Theo phân tích, chỉ số này từ tháng 8/2022 đến tháng 1/2023 giảm là do tiêu dùng trong nước từ sau mùa thu năm ngoái giảm 5%.

Hạng mục có lượng chi tiêu giảm mạnh nhất là các mặt hàng có giá thành tương đối thấp với thời gian sử dụng trên một năm, như quần áo, giày dép, túi xách. Chỉ số doanh số bán lẻ của hạng mục này giảm 6,5%, từ 119,3 điểm xuống còn 111,5 điểm.

Trong đó, mặt hàng có mức giảm rõ nhất là quần áo, với mức giảm 7,6% từ mùa thu năm ngoái đến tháng 1 năm nay.

Thông thường, xu hướng mua quần áo hằng ngày phụ thuộc vào ảnh hưởng của thời tiết trong năm đó, song tình hình lãi suất và giá tiêu dùng tăng cao trong cuối năm ngoái và đầu năm nay là yếu tố khiến tiêu dùng trong hạng mục này giảm mạnh.

Giá thành của quần áo và giày dép trong tháng 11/2022 tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2021, và lại tăng 5,8% vào tháng 2/2023.

Ngoài ra, chỉ số doanh số bán lẻ đồ ăn và thức uống cùng kỳ giảm 9,6%, đặc biệt trong tháng 1 chỉ ở mức 97,2 điểm, cho thấy tiêu dùng trong ăn uống giảm nhiều hơn cả quần áo và giày dép. 

Thời điểm gốc của chỉ số doanh số bán lẻ tính từ năm 2020 cho thấy tiêu dùng cho ăn uống còn ít hơn cả trong thời kỳ dịch bệnh COVID-19.

Chỉ số sản xuất ngành dịch vụ như nhà hàng khách sạn tháng 1 giảm gần 4%, được cho là do người dân giảm toàn bộ chi phí dùng cho việc ăn uống, chứ không phải chỉ vì việc nấu ăn tại nhà giảm.

Giá thành đồ ăn và thức uống không chứa cồn tăng 7,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Được biết, Chính phủ Hàn Quốc dự kiến sẽ phản ánh tình hình trên để đưa ra đối sách một cách nhanh chóng trong tháng này.

Lựa chọn của ban biên tập