Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Quốc tế

Liên hợp quốc có kế hoạch đưa nhân lực đến miền Bắc thường trú để cải thiện tình hình nhân quyền

Write: 2023-03-24 14:29:30Update: 2023-03-24 14:29:50

Liên hợp quốc có kế hoạch đưa nhân lực đến miền Bắc thường trú để cải thiện tình hình nhân quyền

Photo : YONHAP News

Báo cáo viên đặc biệt về nhân quyền Bắc Triều Tiên tại Liên hợp quốc Elizabeth Salmon ngày 22/3 đã có cuộc gặp với báo chí tại văn phòng Liên hợp quốc ở Geneva (Thụy Sĩ) và chia sẻ về kế hoạch cải thiện tình hình nhân quyền tại miền Bắc.

Theo báo cáo viên Salmon, người dân nước này ngày càng gặp nhiều khó khăn sau khi đóng cửa biên giới vào tháng 1/2020 với lý do ngăn chặn làn sóng lây nhiễm COVID-19. Thông qua đó, Chính phủ đã có thể tăng cường kiểm soát người dân và ưu tiên việc phát triển vũ khí. Theo đó, bà Salmon nhấn mạnh phương án đưa nhân viên thường trú Liên hợp quốc trở lại Bắc Triều Tiên đang là mối ưu tiên hàng đầu.

Trước đó, các nhân lực phụ trách của các tổ chức thuộc Liên hợp quốc như Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), đã đến ở tại Bắc Triều Tiên và thực hiện các dự án viện trợ nhân đạo và hợp tác. Tuy nhiên, toàn bộ đoàn nhân lực đã rút khỏi hoặc không được phép trở lại nước này do Chính phủ phong tỏa biên giới vì dịch COVID-19. Điều này cũng có nghĩa là hiện nay không có "tai mắt" nào trực tiếp theo dõi tình hình xã hội miền Bắc. 

Có nhận định cho rằng Bình Nhưỡng sẽ khó tiếp tục lấy cái cớ là ngăn chặn làn sóng lây nhiễm dịch bệnh để từ chối cho Liên hợp quốc vào thường trú, do nước giáp ranh Trung Quốc cũng đã dần nới lỏng biện pháp phòng dịch.

Theo đó, báo cáo viên Salmon đã trình bày các phương pháp giải quyết vấn đề nhân quyền tại Bắc Triều Tiên như truy cứu trách nhiệm của cơ quan đầu não miền Bắc sau khi điều tra làm sáng tỏ thực hư về các hành vi xâm phạm nhân quyền có tổ chức, và nỗ lực tạo điều kiện cho cộng đồng quốc tế cùng tích cực cải thiện tình hình nhân quyền tại nước này.

Vào ngày 17/3, Báo cáo viên Salmon cũng đã báo cáo tình hình nhân quyền tại miền Bắc, hối thúc truy tố những người chịu trách nhiệm vấn đề nhân quyền của nước này lên Tòa án Hình sự quốc tế (ICC).

Qua đó, bà đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của cộng đồng quốc tế không những trong an ninh mà còn trong việc viện trợ nhân đạo, kế hoạch phát triển kinh tế, vấn đề nhân quyền.

Ngoài ra, việc Bắc Triều Tiên đã tự ký tên vào thỏa thuận nhân quyền quốc tế và liên tục tham gia vào Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) của Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc cũng cho thấy nước này có thái độ cởi mở đối với các nền tảng nhân quyền quốc tế. Do đó, bà Salmon sẽ tận dụng yếu tố này để đối thoại với Bình Nhưỡng.

Theo báo cáo viên, một số yêu cầu cơ bản mà Liên hợp quốc có thể đưa ra cho miền Bắc là cấp phép cho nhân viên phụ trách ghé thăm nước này với số lần cố định, cho phép các hoạt động đoàn tụ gia đình ly tán thường kỳ hàng năm, cho phép kiểm tra tình hình thực hiện khuyến cáo của Liên hợp quốc.

Bà Salmon còn có kế hoạch sẽ tập trung vào vấn đề nhân quyền phụ nữ đã đưa ra trong báo cáo nhân quyền gần đây, xem xét cụ thể về vai trò của người phụ nữ trong việc thay đổi xã hội miền Bắc.

Lựa chọn của ban biên tập