Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Quan hệ liên Triều

Báo cáo về tình hình nhân quyền Bắc Triều Tiên lần đầu được công bố rộng rãi với người dân Hàn Quốc

Write: 2023-03-30 15:28:18Update: 2023-03-30 15:36:13

Báo cáo về tình hình nhân quyền Bắc Triều Tiên lần đầu được công bố rộng rãi với người dân Hàn Quốc

Photo : YONHAP News

Bộ Thống nhất Hàn Quốc sẽ công bố "Báo cáo về tình hình nhân quyền Bắc Triều Tiên năm 2023" vào ngày 31/3. 

Seoul đã phát hành Báo cáo về tình hình nhân quyền miền Bắc hàng năm kể từ năm 2017, một năm sau khi ban hành Luật về nhân quyền Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên Chính phủ công bố rộng rãi với người dân về báo cáo này.

Bộ Thống nhất cho biết báo cáo năm nay dài khoảng 450 trang, có 4 chương bao gồm "Quyền dân sự và chính trị", "Quyền về mặt kinh tế, xã hội và văn hóa", "Tầng lớp yếu thế" và "Nhà tù chính trị, tù binh, nạn nhân bị miền Bắc bắt cóc, gia đình bị ly tán trong chiến tranh Triều Tiên (1950-1953)".

Trong đó, báo cáo có nội dung về những chứng cứ cho thấy rằng các cơ quan quyền lực ở miền Bắc đã tước đoạt mạng sống con người một cách tùy tiện, hay các trường hợp bị "tử hình ngay lập tức". Và án tử hình không chỉ được áp dụng với các tội phạm bạo lực như giết người, mà còn với các tội như buôn bán ma túy, xem các nội dung về Hàn Quốc, hay có các hành vi mê tín, tuyên truyền tôn giáo. 

Đặc biệt, phụ nữ miền Bắc cũng được cho là bị bạo hành ở gia đình, trường học, quân đội và các cơ sở giam giữ. 

Trong báo cáo còn có nhiều lời làm chứng cho rằng đại đa số người dân Bắc Triều Tiên phải hoạt động kinh tế để đảm bảo lương thực, do chế độ bao cấp lương thực ở nước này không hoạt động bình thường. Chế độ khám chữa bệnh miễn phí cũng không được vận hành suôn sẻ, nhiều trường hợp người dân phải trả tiền mặt và hiện vật cho y bác sĩ. 

Bên cạnh đó, miền Bắc đã xâm hại nhân quyền nghiêm trọng khi tử hình tù nhân chính trị, giám sát và phân biệt đối xử với tù binh, người bị bắt cóc sang Bắc Triều Tiên và gia đình bị ly tán trong chiến tranh.

Mặc dù những nội dung trên đều được đề cập trong báo cáo liên quan của Liên hợp quốc hay các tổ chức dân sự trong và ngoài nước, song những vấn đề này được đề cập trong một báo cáo của Chính phủ mang ý nghĩa như lời khẳng định chính thức.

Báo cáo lần này được lập dựa trên lời làm chứng về hơn 1.600 trường hợp xâm hại nhân quyền của 508 người tị nạn Bắc Triều Tiên chạy trốn sang Hàn Quốc trong giai đoạn từ năm 2017 đến 2022. Trong số những người làm chứng có 53% là nữ giới và 47% là nam giới. Xét theo địa phương cư trú, 59,1% đến từ tỉnh Ryanggang, 17,3% đến từ tỉnh Bắc Hamgyong và 10,8% đến từ Bình Nhưỡng.

Lựa chọn của ban biên tập