Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Triển lãm về hành trình 40 năm tìm kiếm nghệ thuật trừu tượng của cố danh họa Kim Whan-ki

Write: 2023-05-16 14:27:46Update: 2023-05-16 18:28:39

Photo : YONHAP News

Quỹ văn hóa Samsung ngày 15/5 công bố khai mạc triển lãm quy mô lớn các tác phẩm của danh họa Kim Whan-ki (1913-1974), cây đại thụ trong làng mỹ thuật trừu tượng Hàn Quốc, từ ngày 18/5 đến hết ngày 10/9, tại Bảo tàng nghệ thuật Hoam ở thành phố Yongin, tỉnh Gyeonggi. 

Trong 120 tác phẩm được trưng bày lần này có tác phẩm mang tên "Những người phụ nữ và chiếc bình" (1960), bức bích họa duy nhất cố họa sĩ có chiều dài trên 5m, bao quát tất cả các chủ đề chính trong tranh của ông, như bình, phụ nữ, chim và nai, cây cối và những đám mây. Gần đây, các nhà nghiên cứu vừa phát hiện được cuốn sổ tay của tác giả có nội dung ghi chép rằng bức bích họa này được hoàn thành vào năm 1960.

Bà Tae Hyun-son, người lên kế hoạch triển lãm, cho biết một điểm thú vị đó là trong cuốn sổ tay, họa sĩ Kim đã viết lại tâm trạng rối bời của mình trong khoảng thời gian sáng tác rất ngắn, như vẽ cả ngày lẫn đêm tới mức kiệt sức, sau đó ngủ li bì suốt ngày hôm sau.

Một tác phẩm khác nhận được sự quan tâm lớn đó là bức "Rondo" (1938), một tác phẩm tiên phong trong hội họa trừu tượng tại Hàn Quốc, đã được chỉ định là di sản văn hóa, nổi bật với sự chồng chéo và hài hòa của màu sắc. 

Người họa sĩ luôn không ngừng tìm kiếm nghệ thuật mới, vượt qua ranh giới giữa ý tưởng và trừu tượng. Ông đã từng có thời gian du học tại Paris, Pháp, tìm kiếm nghệ thuật trừu tượng riêng của Hàn Quốc, và không ngừng thử nghiệm. Sau đó, ông lại tới New York để tự mình trải nghiệm, tìm kiếm nghệ thuật của riêng mình.

Sau một hành trình dài không ngừng nghỉ, người họa sĩ đã đạt tới thế giới của "những dấu chấm". Ông đã tạo ra dòng "tranh chấm" riêng của mình, lấp đầy bức vẽ bằng muôn vàn dấu chấm, mở ra một thế giới trừu tượng, diễm lệ, rất riêng biệt.

Triển lãm có tên "Một dấu chấm, một bầu trời - Kim Whan-ki", nhìn lại toàn bộ 40 năm thế giới nghệ thuật của người nghệ sĩ tài năng, cho công chúng thấy quá trình người họa sĩ xây dựng khái niệm và hình thức cho mỹ thuật trừu tượng của Hàn Quốc, cho tới khi ông xây dựng được thế giới trừu tượng "tranh chấm" (dot painting) của riêng mình. 

Ban tổ chức triển lãm giải thích cuộc triển lãm lần này không hề tạo ra sự "tổng kết" nào, mà mang ý nghĩa là một sự khởi đầu nghiên cứu mới về danh họa Kim Whan-ki. Đây cũng chính là đặc điểm lớn nhất của triển lãm lần này.

Lựa chọn của ban biên tập