Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

UNESCO công nhận hai tư liệu về đấu tranh dân chủ của Hàn Quốc là di sản thế giới

Write: 2023-05-19 14:12:06Update: 2023-05-19 17:02:59

UNESCO công nhận hai tư liệu về đấu tranh dân chủ của Hàn Quốc là di sản thế giới

Photo : YONHAP News

Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) ngày 18/5 (giờ Pháp) đã chính thức công nhận tư liệu về cuộc cách mạng 19/4 và tư liệu cuộc khởi nghĩa nông dân Donghak (Đông học) của Hàn Quốc là di sản tư liệu thế giới.

Theo Cục Di sản văn hóa Hàn Quốc, tư liệu về cuộc cách mạng 19/4 bao gồm 1.019 tài liệu của cơ quan Chính phủ, Quốc hội và chính giới, các bài báo, ghi chép cá nhân, hình ảnh và video về cuộc vận động dân chủ do giới sinh viên đứng đầu đã lật đổ chính quyền độc tài năm 1960, cho thấy nguyên nhân của cuộc cách mạng, quá trình diễn biến, giai đoạn sau cách mạng.

Theo tư liệu này, có 186 người dân và sinh viên vô tội bị thiệt mạng, 6.000 người bị thương trong cuộc cách mạng, song họ vẫn một lòng đấu tranh đến cùng và thể hiện sự khát khao về nền dân chủ.

Cuộc cách mạng 19/4 được đánh giá là cuộc đấu tranh phi vũ lực thành công đầu tiên trong các nước thuộc thế giới thứ ba, là phát còi đầu tiên cho các phong trào cách mạng học sinh, sinh viên trên thế giới trong những năm 1960, như cuộc nổi dậy của sinh viên Pháp năm 1968, phong trào phản chiến tại Mỹ.

Mặt khác, tư liệu cuộc khởi nghĩa nông dân Donghak là tư liệu quan trọng cho thấy giai đoạn chuyển biến sang cận đại của xã hội Hàn Quốc, bao gồm 185 tài liệu ghi chép về việc người dân thường và Đại sứ quán Nhật Bản đã tham gia trấn áp quân đội nông dân Donghak và Chính phủ trong khoảng thời gian từ năm 1894-1895.

Khởi nghĩa nông dân Donghak còn được gọi là "chiến tranh nông dân Giáp Ngọ" được dẫn dắt bởi nhà lãnh đạo Jeon Bong-jun thuộc đạo Donghak, một tôn giáo của công chúng, nhằm phản đối chế độ phong kiến và chống lại bè lũ quan lại thối nát cùng thực dân Nhật đang dòm ngó đất nước. Đây là cuộc đấu tranh gây ảnh hưởng lớn đến Phong trào kháng Nhật giành độc lập 1/3/1919.

Vào thời điểm đăng ký lên UNESCO, tư liệu này được nhiều người công nhận về vai trò quan trọng mang tầm quốc tế như một "hộp lưu trữ ký ức", mang các giá trị về tự do, bình đẳng và nhân quyền.

Cục Di sản văn hóa đánh giá rằng các tư liệu này đã có đóng góp lớn vào chủ nghĩa dân chủ tại Hàn Quốc, được công nhận về giá trị quý báu mà người người phải học theo và ghi nhớ.

Tính đến nay, Hàn Quốc có tổng cộng 18 di sản được đưa vào danh sách di sản tư liệu thế giới, bao gồm cả hai tư liệu trên.

Lựa chọn của ban biên tập