Tại kỳ họp thứ 45 diễn ra ở Ả-rập Xê-út vào ngày 14/9, Ủy ban Di sản thế giới thuộc Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã thông qua Quyết định, công nhận Nhật Bản đã thực thi một số biện pháp mới nhằm phản ánh lịch sử cưỡng ép lao động người Joseon (người Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên ngày nay) liên quan tới đảo Quân hạm thuộc Quần thể di tích cuộc cách mạng công nghiệp Minh Trị.
Về điều này, một quan chức Bộ Ngoại giao Hàn Quốc ngày 18/9 cho biết Chính phủ Hàn Quốc cũng nhận thức được các "bước đi mới" của Tokyo, coi những bước đi này là một phần quá trình Nhật Bản thực hiện nghiêm túc quyết định của Ủy ban Di sản thế giới.
Trong biên bản Quyết định trên, Ủy ban Di sản thế giới cũng nhấn mạnh rằng việc Nhật Bản tự giác thực thi cam kết là điều hết sức quan trọng. Trong thời gian tới, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc sẽ tiếp tục đối thoại với Tokyo và UNESCO để Nhật Bản có thể tổ chức triển lãm về lời làm chứng của những nạn nhân đã qua đời và hoàn thiện các biện pháp tưởng nhớ nạn nhân.
Khi đảo Quân hạm (đảo Hashima theo cách gọi của Nhật Bản) thuộc Quần thể di tích cuộc cách mạng công nghiệp Minh Trị được UNESCO công nhận là di sản thế giới vào năm 2015, Chính phủ Nhật Bản đã cam kết sẽ công bố rộng rãi về toàn bộ lịch sử (full history) của quần thể di tích này trong đó có cả vấn đề cưỡng ép lao động người Joseon, nhưng Tokyo đã không thực hiện đúng cam kết. Năm 2021, Ủy ban Di sản thế giới đã đưa ra lập trường "lấy làm tiếc sâu sắc".
Gần đây, Nhật Bản đã có một số bước đi mới như lập ra không gian tưởng niệm các nạn nhân tại Trung tâm thông tin di sản công nghiệp đặt tại Tokyo. Theo đó, trong quyết định lần này, Ủy ban di sản thế giới đưa ra đánh giá tích cực thay vì chỉ trích. Tuy nhiên, Ủy ban Di sản cũng khuyến nghị các bên đương sự tiếp tục đối thoại để lấy "lời làm chứng mới".
Một số ý kiến cho rằng quyết định trên cho thấy UNESCO nhiều khả năng sẽ công nhận mỏ Sado của Nhật Bản là di sản văn hóa thế giới, nếu Tokyo công bố cả những lịch sử đau thương của di sản đó trong quá khứ, tương tự như Quần thể di tích cuộc cách mạng công nghiệp Minh Trị.
Chính phủ Nhật Bản hiện đang xúc tiến đăng ký mỏ Sado trở thành di sản thế giới. Đây là mỏ khai thác vàng lâu đời nhất của Nhật Bản, nhưng cũng là nơi từng cưỡng ép người lao động người Joseon. Ủy ban Di sản thế giới dự kiến sẽ đưa ra quyết định đối với mỏ Sado vào kỳ họp năm sau.