Theo tài liệu của Bộ Địa chính và giao thông trình lên văn phòng nghị sĩ Park Sang-hyuk (đảng Dân chủ đồng hành) thuộc Ủy ban Địa chính và giao thông Quốc hội ngày 3/10, vào lúc 9 giờ 40 phút tối ngày 15/12 năm ngoái, một hành khách người Việt Nam đã trốn khỏi khu vực xuất cảnh trước khi lên máy bay ở sân bay Gimhae (thành phố Busan). Phải sau khi người này bỏ trốn ra ngoài, phía sân bay mới hay biết vụ việc.
Người này đã hoàn tất kiểm tra an ninh và các thủ tục xuất cảnh, chỉ chờ lên máy bay. Vậy nhưng thay vì lên máy bay tới Việt Nam, người này lại bỏ trốn ra ngoài bằng cách bám theo sau một nhân viên cửa hàng miễn thuế để đi ra ngoài bằng lối đi riêng. Khi người này đi qua cửa kiểm soát tự động (Speed Gate) thì có chuông cảnh báo vang lên, nhưng tiếng chuông nhỏ nên không bị ai phát hiện.
Nhân viên cửa hàng miễn thuế do mải xem video trên điện thoại nên không biết bị đối tượng này bám theo. Hai nhân viên thuộc tổ an ninh trực lúc đó thì nghĩ rằng chỉ có nhân viên của hàng miễn thuế sử dụng lối đi riêng này nên cũng không để ý.
Tuy nhiên, người này không qua được cửa ải cuối cùng là máy nhận diện khuôn mặt. Khi bị một bảo vệ ngăn lại, người này ra hiệu rằng có đồ cần chuyển cho người quen ở bên ngoài, nên nhân viên bảo hộ khi đó đã lấy hộ chiếu và vé máy bay của người này để đưa vào máy nhận diện, và cửa được mở. Sau khi ra khỏi khu vực xuất cảnh thành công, người này ngay lập tức bỏ trốn.
Phải tới sau khi được hãng hàng không thông báo hành khách đã không lên máy bay, phía sân bay mới trích xuất máy quay an ninh, phát hiện ra vụ bỏ trốn.
Người này đã bị Cảnh sát bắt và xuất cảnh vào ngày 27 cùng tháng. Được biết, đối tượng này trốn khỏi khu vực xuất cảnh sân bay Gimhae để tiếp tục cư trú tại Hàn Quốc.
Cách đây đúng 10 năm, sân bay Gimpo cũng xảy ra một vụ bỏ trốn tương tự, để lộ ra lỗ hổng an ninh. Đối tượng cũng là một người Việt Nam, bỏ trốn khỏi khu vực xuất cảnh sân bay rồi bị bắt lại sau một tháng.
Bộ Địa chính giao thông đã tiến hành điều tra vụ việc lần này, yêu cầu phía cửa hàng miễn thuế và Tổng công ty hàng không Hàn Quốc (KAC) tiến hành biện pháp khắc phục, tránh tái phát trường hợp tương tự.
Phía cửa hàng miễn thuế phải tăng cường đào tạo về an ninh cho nhân viên, định kỳ phổ biến về các quy định cần tuân thủ đối với người sở hữu thẻ ra vào tại khu vực an ninh. Bộ cũng chỉ ra các điểm cần phải cải tiến như thời gian đóng, mở cửa chắn quá dài, hay chuông cảnh báo của của kiểm soát tự động quá nhỏ, siết chặt quy trình tra hỏi khi hành khách đi từ khu vực xuất cảnh ra khu vực thường.