Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Trong nước

Số học sinh Hàn Quốc gặp vấn đề về thị lực và cân nặng tăng do ảnh hưởng của COVID-19

Write: 2022-11-15 15:45:06Update: 2022-11-15 16:09:58

Số học sinh Hàn Quốc gặp vấn đề về thị lực và cân nặng tăng do ảnh hưởng của COVID-19

Theo kết quả của thống kê sức khỏe học sinh năm 2021 được Bộ Giáo dục Hàn Quốc thực hiện với đối tượng là học sinh tại 1.023 trường cấp I đến cấp III trên toàn quốc, tỷ lệ học sinh có thị lực kém đi là 58,02%, tăng 4,8% so với năm 2019 (53,22%). Thêm vào đó, tỷ lệ sử dụng internet và chơi game nhiều hơn hai tiếng mỗi ngày tăng ở tất cả các cấp học. Đặc biệt, tỷ lệ này ở học sinh cấp II và cấp III tăng mạnh lần lượt 10,8% và 15,41% so với hai năm trước đó.

Học sinh có thị lực giảm đều đặn từ năm 2016 với 55,73%, song đã tăng mạnh trở lại từ sau năm 2019.

Thêm vào đó, tỷ lệ học sinh béo phì tăng liên tục từ sau năm 2016, cụ thể năm 2022 là 19,0%, tăng 3,9% so với năm 2019 (15,1%). Tỷ lệ học sinh có vấn đề về cân nặng bao gồm thừa cân chạm mức 30,8%, trong khi con số này trong năm 2016 đạt 22,9%. Xét theo từng khu vực, học sinh tại các khu vực nông thôn có tỷ lệ béo phì cao hơn học sinh tại thành thị. 

Từ sau năm 2019, chiều cao của học sinh tăng, đặc biệt nam sinh khối lớp 6 tăng 1,5 cm, nữ sinh tăng 0,9 cm, mức tăng cao nhất các khối khác.

Tỷ lệ những học sinh tập thể dục mạnh trên ba ngày một tuần ở cấp I và cấp III lần lượt tăng 0,81% và 1,82%. Trong khi đó, tỷ lệ này ở học sinh cấp II giảm 2,35%.

Theo kết quả khảo sát thói quen ăn uống của học sinh, tỷ lệ học sinh thường xuyên ăn thức ăn nhanh của ba cấp đều cao hơn năm 2019, đặc biệt học sinh tiểu học tăng 5,77%. Mặt khác, tỷ lệ ăn rau hằng ngày giảm nhẹ so với hai năm trước ở tất cả các cấp học.

Tỷ lệ sâu răng năm 2022 đạt 20,24%, thấp hơn 4,77% so với năm 2019. Ngược lại, tỷ lệ học sinh thường xuyên rửa tay tăng ở tất cả các cấp. 

Bộ Giáo dục nhận định sự bùng phát của dịch COVID-19 đã hạn chế các hoạt động ngoài trời, dẫn đến việc học sinh ở nhà và tiếp xúc nhiều hơn với các thiết bị điện tử như máy tính hay máy tính bảng, từ đó khiến tỷ lệ thị lực kém và béo phì tăng. Ngoài ra, Chính phủ sẽ tiến hành phân tích nguyên nhân gia tăng bệnh béo phì ở học sinh với sự tham gia của giáo viên tại các trường học. Bộ cũng cho biết sẽ phổ biến chương trình phòng chống bệnh béo phì ở học sinh tại các trường học vào tháng 3 năm sau.

Lựa chọn của ban biên tập