Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

30 năm "Cuộc biểu tình ngày thứ Tư" kêu gọi giải quyết vấn đề nô lệ tình dục thời chiến

Write: 2022-01-06 13:51:24

Thumbnail : KBS News

Vào ngày thứ Tư (5/1) đã diễn ra "Cuộc biểu tình ngày thứ Tư" lần thứ 1.525 gần trụ sở cũ của Đại sứ quán Nhật Bản ở Seoul.

Ngày 8/1 tới đây sẽ là kỷ niệm tròn 30 năm Cuộc biểu tình ngày thứ Tư kêu gọi giải quyết vấn đề người phụ nữ bị ép mua vui cho quân lính Nhật Bản trong Thế chiến II (8/1/1991). Những người biểu tình tiếp tục kêu gọi sự hối lỗi của Chính phủ Nhật Bản.

Chủ tịch Hội đồng khắc ghi chính nghĩa Lee Na-young phát biểu không ai có thể ngờ rằng Chính phủ Nhật Bản vẫn chỉ lặp lại sự "thụt lùi" trong nhận thức suốt 30 năm qua.

Tuy nhiên, trong cuộc biểu tình lần này, các nạn nhân của chế độ nô lệ tình dục thời chiến, những người luôn đứng vị trí đầu trong mỗi lần biểu tình suốt hàng chục năm qua, đã không thể góp mặt. Tất cả các nạn nhân đều đã tuổi cao, thêm vào đó là lo ngại dịch COVID-19, nên họ đành phải gửi nỗi niềm của mình qua video.

Bà Lee Ok-seon, một trong số các nạn nhân, hồi tưởng lại những vất vả khi tham gia biểu tình suốt thời gian qua, bất kể trời mưa tuyết.

Dấu mốc 30 năm mang một ý nghĩa đặc biệt. Tuy nhiên, địa điểm quen thuộc của Cuộc biểu tình ngày thứ Tư là phía trước tượng "Thiếu nữ hòa bình" ở đối diện trụ sở Đại sứ quán Nhật Bản, lại phải nhường chỗ cho một cuộc biểu tình khác của tổ chức dân sự theo khuynh hướng bảo thủ. Cảnh sát đã được bố trí để kiểm soát cả hai cuộc biểu tình.

Các tổ chức dân sự đã viết kiến nghị lên Ủy ban nhân quyền quốc gia, cho rằng Cảnh sát đang làm ngơ trong khi tổ chức bảo thủ cản trở Cuộc biểu tình ngày thứ Tư.

Bà Lee Yong-su, một nạn nhân, nhấn mạnh phải tìm ra được giải pháp, đạt tiến triển trong giải quyết vấn đề nô lệ tình dục thời chiến khi các nạn nhân còn sống.

Bà Lee cho rằng cần giáo dục nhận thức lịch sử cho thế hệ trẻ, để họ hiểu rõ tại sao Nhật Bản phải xin lỗi và bồi thường về vấn đề nô lệ tình dục thời chiến. Các nạn nhân nhất định sẽ hợp tác với Ủy ban chống tra tấn của Liên hợp quốc về vấn đề này.

Hiện tại, trong số những nạn nhân bị cưỡng ép mua vui cho quân lính Nhật thời chiến đã đăng ký lên Chính phủ, chỉ có 13 người còn sống, những người còn lại đã qua đời vì tuổi cao.

Lựa chọn của ban biên tập