Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

"Cách tiếp cận vấn đề Bắc Triều Tiên của Hàn Quốc và Mỹ có thể có sự khác biệt"

Write: 2021-10-27 15:15:51

Thumbnail : YONHAP News

Trong buổi họp báo của Nhà Trắng vào ngày 26/10 (giờ địa phương), Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan phát biểu cách tiếp cận vấn đề Bắc Triều Tiên của Hàn Quốc và Mỹ có thể có sự khác biệt quan điểm về thời gian và điều kiện.

Phát biểu này của ông Sullivan được đưa ra khi phóng viên đặt câu hỏi liệu việc tuyên bố chấm dứt chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) có thể trở thành chất xúc tác để bắt đầu đối thoại với miền Bắc hay không.

Trước đó, tại khóa họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc diễn ra vào tháng 9, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã đề xuất ba bên Hàn-Triều-Mỹ hoặc 4 bên Hàn-Triều-Mỹ-Trung tuyên bố chấm dứt chiến tranh Triều Tiên.

Ông Sullivan cho biết trong thời gian qua, hai nước Hàn-Mỹ đã có sự trao đổi hiệu quả, mang tính xây dựng về vấn đề này. Theo ông, về cơ bản, hai nước có lập trường tương tự về chiến lược cốt lõi khi tiếp cận vấn đề Bắc Triều Tiên.

Điều này cho thấy Nhà Trắng đang thể hiện "thái độ thận trọng" trước đề xuất tuyên bố chấm dứt chiến tranh Triều Tiên mà Chính phủ Seoul đang tích cực xúc tiến thời gian gần đây.

Mặt khác, trả lời phỏng vấn của phóng viên của Đài Phát thanh và truyền hình Hàn Quốc (KBS), Báo cáo viên đặc biệt về nhân quyền Bắc Triều Tiên của Liên hợp quốc Tomas Ojea Quintana nhấn mạnh tình hình dịch COVID-19 không thể trở thành lý do chính đáng để cô lập miền Bắc.

Báo cáo viên Liên hợp quốc chỉ ra rằng nhiều quan chức theo đường lối cứng rắn với Bắc Triều Tiên đang lấy đại dịch COVID-19 làm cái cớ để tiếp tục cô lập Bình Nhưỡng.

Ông Quintana nhấn mạnh cộng đồng quốc tế cần nỗ lực đối thoại với miền Bắc một cách sáng tạo, tách biệt với tình hình nhân quyền, trong đó bao gồm cả việc nới lỏng một phần cấm vận nếu muốn cải thiện tình hình lương thực tại nước này hiện đang trầm trọng hơn kể từ sau khi bùng phát dịch COVID-19. 

Đặc biệt, Báo cáo viên Quintana nhắc tới việc nội bộ Liên hợp quốc đã bắt đầu thảo luận về việc hỗ trợ cho Bắc Triều Tiên. Viện trợ nhân đạo là một lĩnh vực phải được xúc tiến tách biệt với môi trường chính trị.
   
Có thể thấy cách tiếp cận với vấn đề Bắc Triều Tiên của cộng đồng quốc tế, trong đó có Mỹ, đang chia làm hai trục chính là ngoại giao và viện trợ nhân đạo. Dư luận đang hướng sự quan tâm tới phương thức đối phó của Bình Nhưỡng trong thời gian tới.

Lựa chọn của ban biên tập