Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Giấy truyền thống Hàn Quốc Hanji thu hút sự quan tâm tại triển lãm giấy ở Trung Đông

Write: 2022-05-23 15:14:38

Thumbnail : KBS News

Tại bảo tàng Louvre Abu Dhabi (Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất) đang diễn ra một triển lãm về các loại giấy trên toàn thế giới. Trong đó, khách tham quan bị thu hút bởi nhiều tác phẩm thể hiện nét đẹp của loại giấy truyền thống Hàn Quốc Hanji.

Một tác phẩm trưng bày được chú ý là mô hình nhà truyền thống Hàn Quốc Hanok làm từ giấy Hanji, với những ô cửa sổ rọi ánh sáng dịu nhẹ và lớp lót sàn truyền thống tạo cảm giác ấm áp. Một khách tham quan chia sẻ cảm giác dễ chịu khi nhìn ngắm phía ngoài của nhà truyền thống Hanok, muốn tìm hiểu sâu hơn về loại giấy Hanji.

Đây là một triển lãm về lịch sử các loại giấy trên toàn thế giới. Giấy vốn là một thứ rất thường thấy, nhưng lại luôn có mặt trong mỗi phút giây quan trọng của lịch sử thế giới. Tại Hàn Quốc, ngoài dùng để làm sách, giấy truyền thống Hanji còn được sử dụng vào nhiều mục đích đa dạng trong cuộc sống hàng ngày như quần áo, giầy dép, nhà truyền thống Hanok.

Gần đây, giấy truyền thống Hanji đang nổi lên như một vật liệu quan trọng trong thị trường phục chế di sản văn hóa trên toàn thế giới. Giấy Hanji được sử dụng để phục chế Kinh Qur’an thế kỷ thứ IX, và bàn làm việc của Hoàng đế La Mã Maximilian II.

Ông Xavier Salmon thuộc Bảo tàng Louvre (Pháp) cho biết giấy Hanji có độ ổn định cao, khó bị biến dạng bởi yếu tố môi trường, nên không gây ra sự biến dạng của tác phẩm.

Trong thời gian qua, trên 99% công tác phục chế di sản văn hóa sử dụng giấy truyền thống của Nhật Bản. Ông Kim Min-jung, một chuyên gia phục chế di sản văn hóa cho biết nhà nghiên cứu ứng dụng Ariane de La Chapelle của bảo tàng Louvre Pháp đang tiến hành dự án "Giấy hôm qua vì ngày mai", trong đó tiến hành công tác phục chế chủ yếu bằng giấy Hanji thay cho loại giấy của Nhật Bản.

Bảo tàng Louvre của Pháp đánh giá cao tính bền của giấy Hanji, dự kiến sẽ tích cực sử dụng giấy truyền thống Hàn Quốc trong việc phục chế các di sản văn hóa trong thời gian tới.

Lựa chọn của ban biên tập