Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Sức ép trong và ngoài nước về lộ trình trung hòa carbon của Hàn Quốc

Write: 2021-10-05 13:35:46

Thumbnail : KBS News

Trong ba kịch bản trung hòa carbon cho tới năm 2050 mà Chính phủ Hàn Quốc công bố lần đầu vào tháng 8 vừa qua, có hai kịch bản chứa nội dung vẫn sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Dư luận đang dấy lên tranh cãi về độ tin cậy của các tài liệu quốc tế mà Ủy ban trung hòa carbon sử dụng để tham khảo khi lập các kịch bản này. 

Hòa thượng Beomman, một ủy viên dân sự thuộc Ủy ban trung hòa carbon, ngày 30/9 vừa qua cho biết ông đã khẩn thiết kêu gọi ủy ban lập ra một kịch bản trung hòa carbon cho tới năm 2050 và dự thảo "Đóng góp do quốc gia tự quyết định" (NDC) một cách táo bạo hơn nữa so với mục tiêu trước đó. Vậy nhưng, các ý kiến được đưa ra trong quá trình thảo luận của ủy ban cho thấy vẫn còn một bức tường rất lớn để hướng tới mục tiêu trung hòa carbon.

Ngoài ra, cộng đồng quốc tế cũng đang gia tăng sức ép với Seoul. Liên minh xóa bỏ năng lượng than đá (Powering Past Coal Alliance), một liên minh do Anh và Canada khởi xướng thành lập vào tháng 11/2017 nhân Hội nghị lần thứ 23 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP23) tại Đức, đã gửi một bức thư kín cho Chính phủ Hàn Quốc. Trong thư, liên minh này đề cập tới việc Seoul quyết định dừng hỗ trợ tài chính cho các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than đá ở nước ngoài, hối thúc Hàn Quốc cũng phải dừng phát thải khí nhà kính từ các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than đá trong nước, lập một lộ trình cụ thể, không xây mới nhà máy nhiệt điện trong nước.

Nghị sĩ Lim Lee-ja (đảng đối lập Sức mạnh quốc dân) thuộc Ủy ban Môi trường và lao động tại Quốc hội nhấn mạnh Chính phủ Hàn Quốc phải thể hiện năng lực lãnh đạo ở lĩnh vực khí hậu, phù hợp với mục tiêu là đăng cai tổ chức Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) vào năm 2023, nhanh chóng thiết lập lộ trình thoát khỏi than đá.
 
Trong tháng này, Ủy ban trung hòa carbon sẽ ấn định kịch bản cuối cùng về mục tiêu trung hòa carbon cho tới năm 2050, trình mục tiêu cắt giảm carbon lên Hội nghị biến đổi khí hậu Liên hợp quốc vào tháng 11.

Trong ba kịch bản mà Chính phủ công bố, kịch bản đầu tiên có nội dung duy trì 7 nhà máy phát điện bằng than đá mới xây dựng ít nhất cho tới năm 2050, khi đó lượng phát thải carbon ròng sẽ là 25,4 triệu tấn. Kịch bản thứ hai là dừng phát điện bằng than đá, vẫn duy trì phát điện bằng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG), lượng phát thải carbon ròng tới năm 2050 là 18,7 triệu tấn. Kịch bản cuối cùng là đưa lượng phát thải carbon ròng cho tới năm 2050 về mức 0, bằng cách dừng cả phát điện bằng than đá và bằng LNG, phổ cập 97% các loại xe ô tô không gây hại cho không khí, như ô tô điện, ô tô hydro.

Lựa chọn của ban biên tập