Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắt đầu hoàn tiền tiêu dùng qua thẻ cho người dân trong tháng 10 và 11

Write: 2021-09-27 14:10:51

Thumbnail : KBS News

Chính phủ Hàn Quốc sẽ chi trả tiền hỗ trợ tiêu dùng cho người dân trong vòng hai tháng 10 và 11, nhằm kích thích tiêu thụ nội địa sau một thời gian co hẹp vì đại dịch COVID-19. Đối tượng được hưởng hỗ trợ là người dân có khoản chi tiêu trong tháng qua thẻ tín dụng hoặc thẻ thanh toán cao hơn 3% bình quân của quý II (từ tháng 4 tới tháng 6 năm nay). Hình thức hỗ trợ là người dân được hoàn 10% số tiền chi tiêu vượt quá 3%.

Ví dụ, trong quý II, một người chi tiêu trung bình qua thẻ là 1 triệu won (851 USD). Tuy nhiên trong tháng 10, số tiền chi tiêu qua thẻ là 1,3 triệu won (1.106 USD), tăng thêm 300.000 won (255 USD), thì sẽ được hoàn 10% của số tiền vượt quá 3%, tức 300.000 won trừ đi 3% của 1 triệu won là 30.000 won bằng 270.000 won (230 USD). Như vậy, người dân sẽ được nhận 10% của số tiền được xét hoàn lại, tức là 27.000 won (23 USD). Mức trần hỗ trợ một tháng là 100.000 won (85 USD).

Mục đích của khoản hỗ trợ này là nhằm vực dậy các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, tiểu thương, nên khoản chi tiêu qua thẻ được xét hỗ trợ không bao gồm các khoản chi ở siêu thị lớn, các trang thương mại điện tử lớn, hay cơ sở giải trí. Tuy nhiên, các khoản chi tiêu ở các siêu thị quy mô trung bình, ứng dụng giao hàng, rạp chiếu phim, công viên trò chơi, hay các chuỗi cửa hàng thương hiệu, vẫn được tính vào phạm vi xét hỗ trợ.

Để nhận hoàn tiền, người dân chỉ cần chọn một trong số 9 công ty thẻ và đăng ký hưởng hỗ trợ. Thời gian đăng ký là từ ngày 1/10. Để tránh tình trạng quá tải đăng ký, trong tuần đăng ký đầu tiên, người dân sẽ đăng ký theo số cuối năm sinh.

Người dân có thể kiểm tra về số tiền chi tiêu qua thẻ của bản thân, và số tiền dự kiến được hoàn lại thông qua trang chủ của các công ty thẻ. Tiền hoàn sẽ tự động được chuyển vào thẻ của người dân, có hiệu lực sử dụng tới ngày 30/6 năm sau.

Bộ Kế hoạch và tài chính đồng tình với cơ quan phòng dịch về việc phải kết hợp hài hòa giữa các biện pháp phòng dịch COVID-19 và đảm bảo hoạt động kinh tế. Lần này, ngoài hỗ trợ các dịch vụ tiếp xúc trực tiếp, Bộ đã quyết định hỗ trợ cả các dịch vụ tiêu dùng không tiếp xúc như ứng dụng giao hàng, cân nhắc tới sự tiện lợi của người tiêu dùng.

Lựa chọn của ban biên tập