Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Chỉ số tâm lý tiêu dùng Hàn Quốc rớt xuống dưới ngưỡng 100

Write: 2022-06-29 14:14:15

Thumbnail : YONHAP News

Theo kết quả khảo sát do Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BOK) công bố ngày 29/6, chỉ số tâm lý tiêu dùng tổng hợp (CCSI) trong tháng 6 đạt 96,4 điểm, giảm 6,2 điểm so với tháng trước, lần đầu tiên dưới ngưỡng 100 điểm sau một năm 4 tháng.

CCSI được tổng hợp từ 6 trong số 15 chỉ số cấu thành nên chỉ số lòng tin của người tiêu dùng (CSI), gồm nhận định của người tiêu dùng về tình hình cuộc sống hiện tại, triển vọng cuộc sống tương lai, triển vọng thu nhập hộ gia đình, triển vọng chi tiêu tiêu dùng, đánh giá nền kinh tế hiện tại và triển vọng kinh tế. Nếu CCSI vượt ngưỡng 100 điểm thì phản ánh tâm lý tiêu dùng lạc quan hơn mức bình quân dài hạn (2003-2021) và ngược lại. 

Tỷ lệ lạm phát kỳ vọng tháng 6 là 3,9%, tăng 0,6% so với tháng 5 và là mức cao kỷ lục kể từ tháng 4 năm 2012 (3,9%). Mức tăng 0,6% cũng là cao nhất kể từ khi ghi chép số liệu thống kê từ tháng 7 năm 2008. Tỷ lệ lạm phát kỳ vọng phản ánh dự báo về tăng giá tiêu dùng trong vòng một năm tới.

BOK giải thích các yếu tố bên ngoài như giá dầu quốc tế, giá thực phẩm thế giới leo thang, chuỗi cung ứng gián đoạn, cũng như cảm nhận về giá cả các mặt hàng liên quan chặt chẽ đến đời sống của người dân như chi phí dịch vụ cá nhân và ăn uống gia tăng đã khiến chỉ số lạm phát kỳ vọng tăng theo. Yếu tố bên ngoài vẫn còn nhiều biến động, lãi suất cơ bản dự kiến sẽ còn tăng trong tương lai. Do đó cần theo dõi thêm tác động của các yếu tố này tới tâm lý tiêu dùng trong thời gian tới.

Tỷ lệ tăng giá tiêu dùng theo cảm nhận của người dân trong một năm trở lại đây là 4%, tăng 0,6%, mức tăng cao nhất kể từ khi lập số liệu thống kê liên quan.

6 chỉ số cấu thành nên tâm lý tiêu dùng đều giảm. Trong đó, chỉ số nhận định của người tiêu dùng về tình hình cuộc sống hiện tại và triển vọng cuộc sống tương lai lần lượt là 87 và 88 điểm, giảm lần lượt 2 và 5 điểm; triển vọng thu nhập hộ gia đình (97 điểm) và triển vọng chi tiêu tiêu dùng (114 điểm) giảm lần lượt 1 và 2 điểm. Chỉ số đánh giá nền kinh tế hiện tại và triển vọng kinh tế giảm lần lượt 14 và 15 điểm xuống còn 60 và 69 điểm.

Lựa chọn của ban biên tập