Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Cựu Thủ tướng Nhật Bản chỉ trích đối phó của Chính phủ về vấn đề cưỡng ép lao động thời chiến

Write: 2019-09-25 13:59:49

Thumbnail : KBS News

Cựu Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama, người từng phát biểu rằng Nhật Bản cần phải chấp nhận phán quyết của Tòa án tối cao Hàn Quốc về vấn đề cưỡng ép lao động thời chiến, lại một lần nữa chỉ trích biện pháp đối phó của Tokyo.

Theo ông Hatoyama, lập luận của Chính phủ Thủ tướng Shinzo Abe cho rằng quyền đòi bồi thường thiệt hại trên phương diện cá nhân của các nạn nhân bị cưỡng ép lao động thời chiến, đã hết hiệu lực dựa theo Hiệp định về quyền yêu sách Hàn-Nhật năm 1965, là đi ngược lại với "lẽ thường".

Trên trang Twitter cá nhân ngày 24/9, cựu Thủ tướng Hatoyama viết quan điểm chung trong luật nhân quyền quốc tế hiện hành không cho phép việc chấm dứt quyền đòi bồi thường của cá nhân dựa theo một hiệp định hay thỏa ước giữa các quốc gia.

Theo đó, việc Chính phủ Thủ tướng Abe nói rằng quyền đòi bồi thường của nạn nhân bị cưỡng ép lao động thời chiến đã chấm dứt dựa theo Hiệp định về quyền yêu sách Hàn-Nhật, không phải là lối tư duy thông thường, hối thúc Chính phủ Nhật Bản quay lại lối tư duy chung quốc tế.

Mặt khác, chuyên gia Mỹ, Giáo sư Alexis Dudden của Đại học Connecticut (Mỹ) ngày 23/9 đăng một bài viết trên tờ Thời báo New York, chỉ ra rằng Hiệp định về quyền yêu sách Hàn-Nhật năm 1965 đã được lập ra theo sự can thiệp của Washington.

Khi đó, Mỹ mong muốn lấy lại khoản tiền đã viện trợ cho Hàn Quốc để mở rộng can thiệp vào chiến tranh Việt Nam, nên đã thúc đẩy ký kết Hiệp định về quyền yêu sách Hàn-Nhật. Có nghĩa là thực chất, hiệp định không giúp giải quyết triệt để, mà chỉ mang tính chất "đóng băng" tranh chấp giữa hai nước Hàn-Nhật, dù Washington khi đó cho rằng hiệp định là "thích hợp".

Giáo sư Dudden nhấn mạnh nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump thực sự mong muốn tiến triển trong quan hệ giữa hai nước đồng minh Hàn-Nhật, thì Chính phủ Mỹ cần phải làm những việc đã chối bỏ trong suốt thời gian qua.

Lựa chọn của ban biên tập