Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Liên hợp quốc thông qua nghị quyết nhân quyền Bắc Triều Tiên

Write: 2019-12-19 09:50:02

Thumbnail : YONHAP News

Dự thảo nghị quyết nhân quyền Bắc Triều Tiên được phê duyệt tại Ủy ban thứ ba phụ trách nhân quyền thuộc Liên hợp quốc vào tháng trước đã được nhất trí thông qua tại phiên họp toàn thể của Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 18/12 (giờ địa phương) mà không cần biểu quyết hay thay đổi nội dung nào.

Như vậy, đây là năm thứ 15 liên tiếp Liên hợp quốc thông qua nghị quyết nhân quyền miền Bắc.

Nội dung nghị quyết chỉ trích Bắc Triều Tiên đã thực hiện các hành vi xâm hại nhân quyền nghiêm trọng, có tổ chức và trên diện rộng trong một thời gian dài. Nghị quyết lên án mạnh mẽ và hối thúc chính quyền miền Bắc dừng ngay các hành vi này, cải thiện nhân quyền cho người dân.

Nghị quyết cũng đồng thời khuyến nghị Hội đồng bảo an đưa vấn đề nhân quyền của Bắc Triều Tiên lên Tòa án hình sự quốc tế (ICC) để có biện pháp trừng phạt thích đáng với người chịu trách nhiệm cao nhất, ám chỉ Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ miền Bắc Kim Jong-un.

Bên cạnh đó, nghị quyết cũng đề cập đến tầm quan trọng của đối thoại liên Triều trong việc cải thiện nhân quyền Bắc Triều Tiên.

Phía Bắc Triều Tiên cũng lên án mạnh mẽ việc Liên hợp quốc thông qua nghị quyết nhân quyền. Đại sứ miền Bắc tại Liên hợp quốc Kim Song chỉ trích nghị quyết không hề giúp thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền một cách thiết thực, mà chỉ là một tuyên bố điển hình của các thế lực thù địch với Bắc Triều Tiên.

Trung Quốc, Nga và Venezuela cũng bênh vực Bình Nhưỡng, phản đối Liên hợp quốc thông qua nghị quyết nhân quyền nhắm vào một quốc gia cụ thể. Trung Quốc còn nhận định cần nới lỏng biện pháp cấm vận với miền Bắc. Trước đó, Bắc Kinh và Mát-xcơ-va đã trình lên Hội đồng bảo an bản sơ thảo nghị quyết yêu cầu gỡ bỏ một phần biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng.

Hãng tin Reuters (Anh) đưa tin Đại sứ Trung Quốc tại Liên hợp quốc cho biết sơ thảo nghị quyết trên nhằm giảm nhẹ lo ngại về mặt nhân đạo với miền Bắc, giúp tháo gỡ bế tắc đàm phán phi hạt nhân hóa Mỹ-Triều.

Dự thảo nghị quyết này nếu muốn thông qua phải được 9 trên 15 nước thành viên thường trực và không thường trực của Hội đồng bảo an tán thành, trong đó 5 nước thành viên thường trực không dùng quyền phủ quyết. Tuy nhiên, hiện tại, Mỹ, Anh và Pháp đều đang thể hiện lập trường phản đối nghị quyết này.

Lựa chọn của ban biên tập