Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

"Nhân viên nhà hàng miền Bắc bị bắt cóc tới miền Nam"

Write: 2019-09-05 15:33:54

Thumbnail : YONHAP News

Nhóm điều tra gồm các chuyên gia luật pháp quốc tế quy kết vụ bỏ trốn tập thể của các nhân viên nhà hàng Bắc Triều Tiên tại Trung Quốc vào năm 2016, là một vụ "bắt cóc và xâm hại nhân quyền", đi ngược lại với mong muốn của các nhân viên nhà hàng này.

Nhóm điều tra gồm Hiệp hội luật sư dân chủ quốc tế và Hội luật gia châu Á-Thái Bình Dương (COLAP) ngày 31/8 vừa qua đã thăm Bình Nhưỡng, phỏng vấn 7 nhân viên cùng làm việc trong nhà hàng với những người bỏ trốn, và đã trở về nước. 

Những người này thuật lại rằng 12 nhân viên trong vụ bỏ trốn tới Hàn Quốc hoàn toàn không hề biết rằng sẽ tới tị nạn tại miền Nam. Khi đó, người quản lý của nhà hàng đã nói với họ rằng phải di chuyển tới một nhà hàng mới mở ở Malaysia, nên họ đã nghe và đi theo. Tuy nhiên, các nhân viên trên đã nghe lén được cuộc nói chuyện qua điện thoại giữa người quản lý và nhân viên Cơ quan tình báo quốc gia (NIS) của Hàn Quốc, nên đã bỏ trốn về miền Bắc.

Nhóm điều tra kết luận vụ bắt cóc là một hành vi phạm tội, vừa là một hành vi phi nhân đạo, chia cắt các nhân viên nhà hàng miền Bắc với gia đình của họ, xâm hại nghiêm trọng về nhân quyền. Cha mẹ của những nhân viên bị bắt cóc đã hết sức đau khổ và phẫn nộ, khi không được gặp con cái suốt hơn 3 năm.

Nhóm điều tra cho biết đã ngỏ ý điều tra với các nhân viên nhà hàng đang tị nạn tại Hàn Quốc, nhưng không được cơ quan chức năng chấp thuận. Nhóm sẽ lập báo cáo điều tra cuối cùng trong tháng này để trình lên Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc (UNHRC). Cơ quan này cũng đã tiến hành điều tra về nghi ngờ xoay quanh vụ bỏ trốn của các nhân viên nhà hàng Bắc Triều Tiên trong vòng hơn một năm, từ tháng 7 năm ngoái, nhưng vẫn chưa công bố kết quả.

Tháng 4 năm 2016, 12 nữ nhân viên trong tổng số 20 nhân viên của nhà hàng Ryugyong của Bắc Triều Tiên cùng một người quản lý nhà hàng tại tỉnh Triết Giang, Trung Quốc, đã bỏ trốn tập thể tới Hàn Quốc. Sau đó, dư luận dấy lên nghi ngờ rằng chính Cơ quan tình báo quốc gia Hàn Quốc đã lên kế hoạch cho vụ bỏ trốn. Vào tháng 7 năm ngoái, Báo cáo viên đặc biệt về nhân quyền Bắc Triều Tiên đã thăm Hàn Quốc, gặp gỡ các nhân viên miền Bắc, sau đó mở một buổi họp báo trong đó khẳng định rằng cần tiến hành điều tra một cách triệt để, độc lập về vụ bỏ trốn.

Lựa chọn của ban biên tập