Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Hiệu quả từ các biện pháp giãn cách xã hội thể hiện qua nồng độ carbon

Write: 2022-01-24 14:57:24

Thumbnail : YONHAP News

Đã hai năm kể từ khi Hàn Quốc bùng phát dịch COVID-19. Các chuyên gia đã tiến hành đánh giá về hiệu quả từ các biện pháp phòng dịch của Chính phủ thông qua nồng độ carbon.  

Trên đỉnh của Tháp N Seoul ở núi Namsan, thủ đô Seoul, một thiết bị đo lường nồng độ carbon đang hoạt động. Do ở trên cao, thiết bị này có thể giám sát theo thời gian thực tình hình không khí ở thủ đô. Trong vòng hai năm qua, nồng độ carbon tại thủ đô Seoul đã có sự thay đổi lớn. Kể từ sau khi Hàn Quốc ghi nhận ca nhiễm COVID-19 đầu tiên, rồi áp dụng giãn cách xã hội mức 1,5, nồng độ carbon đã giảm xuống bằng một phần ba so với trước khi bùng dịch.

Ba tháng sau, khi Chính phủ nâng giãn cách xã hội lên mức 2,5, nồng độ carbon đã giảm xuống mức thấp kỷ lục. Tình hình này lặp lại, mỗi khi Chính phủ nới lỏng giãn cách xã hội thì nồng độ carbon tăng, khi siết chặt giãn cách xã hội thì nồng độ carbon lại giảm.

Giáo sư Jeong Su-jong thuộc Đại học quốc gia Seoul phân tích tình trạng này là do khi dịch bệnh mới bùng phát lần đầu, Chính phủ siết chặt giãn cách xã hội quyết liệt, khiến lưu lượng dân số hay phương tiện di chuyển giảm mạnh.

Vào tháng 7 năm ngoái, Chính phủ Hàn Quốc đã nâng giãn cách xã hội lên mức 4, mức cao nhất. Vậy nhưng khi đó, nồng độ carbon lại không giảm, mà ngược lại còn tăng lên mức cao kỷ lục và quay trở lại xu hướng tăng từ sau đó. 4 tháng sau, vào tháng 11/2021, Hàn Quốc bắt đầu lộ trình từng bước khôi phục đời sống thường nhật, nồng độ carbon lại quay trở về bằng ngưỡng trước khi bùng phát dịch bệnh. Nguyên nhân chính được phân tích là bởi lưu lượng dân số di chuyển tại khu vực thủ đô Seoul và các địa phương lân cận. Khác với năm đầu tiên bùng phát đại dịch, lưu lượng di chuyển vẫn tăng rõ rệt bất chấp các biện pháp giãn cách xã hội.

Giáo sư Hwang Seung-sik Đại học quốc gia Seoul cho biết dịch bệnh đã bùng phát được một thời gian, thêm vào đó là Hàn Quốc bắt đầu tiêm vắc-xin từ đầu năm 2021, các biện pháp giãn cách khó có thể duy trì như trước, nên lưu lượng di chuyển tăng trở lại.

Như vậy, sau hai năm bùng phát dịch bệnh, lượng phát thải carbon quay lại như cũ. Tuy nhiên, việc nồng độ carbon giảm khi Chính phủ áp dụng giãn cách xã hội và lưu lượng di chuyển giảm sẽ là một bài học quan trọng để Chính phủ thiết lập chính sách carbon mới thời đại hậu COVID-19.

Lựa chọn của ban biên tập