<Tôi không phải là Nô lệ tình dục>

Đã một phần tư thế kỷ trôi qua sau buổi họp báo vào ngày 14/8/1991 của cụ bà Kim Hak-sun quá cố, người đầu tiên trên thế giới đứng ra làm chứng với tư cách nạn nhân của chế độ cưỡng bức phụ nữ mua vui cho quân đội Nhật. Từ đó, mỗi thứ Tư hàng tuần, trước Đại sứ quán Nhật Bản tại Hàn Quốc lại diễn ra cuộc biểu tình của các cụ bà từng bị cưỡng ép làm nô lệ tình dục. Họ hối thúc Chính phủ Nhật Bản xin lỗi về sai lầm trong quá khứ. Đây là cuộc biểu tình lâu nhất trên thế giới. Song Chính phủ của ông Shinzo Abe vẫn tiếp tục những bước đi có thể đưa Nhật Bản trở thành ngòi nổ chiến tranh một lần nữa và hiển nhiên, không hề có một lời xin lỗi lẫn bồi thường nào theo luật pháp đối với vấn đề phụ nữ mua vui.

Nhân kỷ niệm 70 năm Quốc khánh Hàn Quốc (15/8/1945-15/8/2015), đạo diễn Cho Jung-rae đã bắt tay sản xuất bộ phim ấp ủ bấy lâu mang tên "Về cố hương" dựa trên câu chuyện về những phụ nữ mua vui. Thông qua cách nhìn của một cô gái tên là Seo Mi-ji, người gián tiếp trải nghiệm nỗi thống khổ của các phụ nữ là nạn nhân nô lệ tình dục trong chiến tranh, khán giả sẽ được chứng kiến lời kể sống động của các nạn nhân này. Thêm vào đó là những chương trình và hoạt động của các nhóm dân sự trong và ngoài nước cùng các chuyên gia. Tất cả là để Nhật Bản nhận ra sự thật rằng: chỉ khi thẳng thắn đối diện với quá khứ thì quan hệ đối tác tương lai giữa hai nước Hàn-Nhật, và dĩ nhiên là cả hòa bình ở Đông Bắc Á mới có thể trở thành hiện thực.

Đoạn quảng cáo bộ phim “Về cố hương” (Spirits Homecoming)
“Năm 2015, linh hồn những cô gái trẻ bỏ mạng nơi đất khách đã được trở về nhà”'