Hàn Quốc, chặng đường phát triển của 70 năm độc lập

Open the window of AODPhần 40: World Cup Hàn Quốc-Nhật Bản 2002: Ước mơ trở thành hiện thực

Phần 40: World Cup Hàn Quốc-Nhật Bản 2002: Ước mơ trở thành hiện thực

2015-10-20

Danh sách

[Hàn Quốc và Nhật Bản giành quyền đăng cai World Cup]


Vào 7 giờ 30 phút chiều ngày 31 tháng 5 năm 2002, Giải vô địch bóng đá thế giới World Cup 2002 đã chính thức khai mạc tại sân vận động World Cup ở thủ đô Seoul. Đây là Giải vô địch bóng đá thế giới đầu tiên diễn ra ở châu Á và được hai nước Hàn Quốc và Nhật Bản đồng tổ chức. Trong ngày này, Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung đã tuyên bố khai mạc sự kiện bóng đá lớn nhất hành tinh. Tiếp theo là một chương trình biểu diễn hoành tráng, kết hợp giữa kỹ thuật số hiện đại với nét đẹp truyền thống của Hàn Quốc. World Cup 2002 quy tụ 736 cầu thủ đến từ 32 quốc gia, thi đấu tổng cộng 64 trận trong 31 ngày.

World Cup 2002, Giải vô địch bóng đá thế giới đầu tiên trong thế kỷ 21, đã thu hút sự chú ý của toàn thế giới kể từ khi hai nước Hàn Quốc và Nhật Bản cùng chạy đua giành quyền đăng cai. Hàn Quốc đã bắt đầu những nỗ lực thực sự từ tháng 12 năm 1993 khi ông Chung Mong-joon, Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Hàn Quốc khi đó, chính thức tuyên bố ý định sẽ mang World Cup về cho nước nhà. Chính phủ Hàn Quốc cũng hứa sẽ hỗ trợ tối đa và một Ủy ban đăng cai World Cup đã được thành lập vào tháng 3 năm 1994. Nhưng những nỗ lực của Hàn Quốc đã vấp phải sự cạnh tranh quyết liệt của Nhật Bản. Nhà báo Kim Se-hoon, nhà báo thể thao của tờ Gyeonghyang vào thời điểm đó, nói về cuộc đua này:“Sau khi World Cup 1994 được tổ chức Mỹ, có một sự nhất trí trong Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) rằng các kỳ World Cup tiếp theo sẽ diễn ra tại châu Á. Và ứng cử viên mạnh nhất trong cuộc chạy đua giành quyền đăng cai này chính là “người khổng lồ kinh tế” Nhật Bản. Nước Nhật vốn đã bắt đầu chuẩn bị cho việc này từ năm 1988, và thậm chí còn công bố tên thành phố sẽ được chọn để tổ chức. So với Nhật Bản, Hàn Quốc bắt đầu cuộc đua tương đối muộn nên lợi thế lúc đầu hoàn toàn nghiêng về phía Nhật Bản. Nhưng sau đó, nhờ sự vận động tích cực của Hàn Quốc, đứng đầu là ông Chung Mong-joon, Phó Chủ tịch FIFA khi đó, mà chỉ trong vòng hai năm rưỡi, Hàn Quốc đã có những bước tiến đáng kể.”

Trong khi Hàn Quốc và Nhật Bản đang ganh đua quyết liệt thì vào tháng 4 năm 1994, Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) đã đưa ra lời đề nghị cả hai nước sẽ cùng tổ chức kỳ World Cup này. Lúc đầu, cả Nhật Bản và Hàn Quốc đều ngay lập tức bác bỏ đề nghị này. Sau đó, vì sự cạnh tranh giữa hai bên càng lúc càng quyết liệt, vào ngày 23/5/1996, FIFA đã một lần nữa đề cập đến việc đồng tổ chức. Cuối cùng, vào ngày 31 tháng 5, Ủy ban chấp hành của FIFA đã chính thức thông qua đề nghị này. Hàn Quốc và Nhật Bản không còn sự lựa chọn nào khác buộc phải chấp nhận quyết định của FIFA và kết thúc cuộc “so găng” quyết liệt, mở ra một chương mới của sự hòa giải và hợp tác trong lịch sử World Cup. Nhà báo thể thao Kim Se-hoon nói: “Giải vô địch bóng đá thế giới đầu tiên được tổ chức tại Uruguay vào năm 1930, và 72 năm sau đó, lần đầu tiên có hai quốc gia ở châu Á cùng nhau đăng cai tổ chức World Cup. Trên thực tế, Hàn Quốc và Nhật Bản có mối quan hệ không mấy dễ chịu trong lịch sử, cho nên việc để một trong hai nước thắng trong cuộc chạy đua này là điều không hay, có thể làm trầm trọng thêm mâu thuẫn giữa hai bên. Nói cách khác, việc Seoul và Tokyo cùng đăng cai tổ chức World Cup là cơ hội tốt để cải thiện mối quan hệ song phương đang trong tình thế khó xử.”

[World Cup 2002 với nhiều kết quả bất ngờ]


Vào cuối năm 2002, Giải bóng đá vô địch thế giới World Cup đã chính thức mở màn tại Hàn Quốc và Nhật Bản trước sự theo dõi của sáu tỷ người trên khắp thế giới. Và ngay trong trận khai mạc đã xảy ra điều bất ngờ.

Trong trận đấu giữa đội tuyển Pháp, đương kim vô địch World Cup 1998 và đội tuyển Senegal, đứng thứ 42 trong bảng xếp hạng bóng đá thế giới khi đó và cũng lần đầu xuất hiện tại World Cup, hầu hết các chuyên gia đều nhận định rằng Pháp nhất định sẽ đè bẹp Senegal. Nhưng trái với dự đoán, đội tuyển Pháp thiếu vắng ngôi sao Zinedine Zidane đã phải rất vất vả chống đỡ những đối thủ trẻ tuổi ngay từ khi trận đấu bắt đầu. Và vào phút thứ 29 ...

Cầu thủ của đội Senegal là Pape Bouba Diop đã ghi bàn thắng đầu tiên và duy nhất trong trận đấu, góp phần loại Pháp ra khỏi World Cup ngay từ vòng bảng. World Cup 2002 đã có một khởi đầu gây sốc với nhiều người khi đội bị cho là “chiếu dưới” như Senegal lại đánh bại ứng cử viên số một cho chức vô địch là đội tuyển Pháp. Chính những điều bất ngờ như vậy càng khiến cho người hâm mộ bóng đá khắp thế giới hồi hộp, phấn khích dõi theo từng trận đấu hơn. Nhà báo Kim Se-hoon phân tích: “Đội tuyển Pháp đã giành chức vô địch World Cup 1998 tại chính đất nước họ. Hầu hết các tuyển thủ khi đó đều tham dự World Cup 2002 nên ai cũng cho rằng chiến thắng của họ là điều hiển nhiên và thậm chí nhiều người còn dự đoán Pháp sẽ là ứng cử viên sáng giá của chức vô địch. Ngoài Pháp, một đội bóng Nam Mỹ là Argentina cũng rất đáng gờm với thành tích dày dặn, một Bồ Đào Nha sở hữu cầu thủ ngôi sao Luis Figo. Nhưng cuối cùng, những ứng cử viên tiềm năng này đều bị loại trong vòng đấu bảng. Trong khi đó, “tân binh” Senegal lại khiến người ta đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khi bất ngờ đánh bại Pháp, rồi thẳng tiến vào vòng tứ kết, cùng với Mỹ. Có thể nói, World Cup 2002 là một giải đấu với nhiều kết quả đáng kinh ngạc.”

[Đội tuyển Hàn Quốc vươn lên]


Nhưng bất ngờ lớn nhất lại chính là màn trình diễn tuyệt vời của đội tuyển Hàn Quốc. Trong trận đấu đầu tiên ở vòng bảng với đội tuyển Ba Lan vào ngày 4 tháng 6 ở thành phố Busan, Hàn Quốc đã cho thấy khả năng mạnh mẽ của mình. Ở phút thứ 26 của hiệp đấu thứ nhất, cầu thủ Hwang Sun-hong đã ghi bàn thắng mở màn cho đội chủ nhà và đến phút thứ tám của hiệp hai, tiền đạo Yoo Sang-chul lại ghi thêm một bàn nữa, giúp đội tuyển Hàn Quốc giành chiến thắng trước Ba Lan với tỷ số 2-0. Đây là chiến thắng đầu tiên của Hàn Quốc kể từ khi tham gia World Cup 1954 tại Thụy Sĩ 48 năm trước.

Chiến thắng đầu tiên tại World Cup đã khích lệ tinh thần những người hâm mộ bóng đá ở Hàn Quốc rất nhiều. Người dân không phân biệt tuổi tác, giới tính đều cùng nhau mặc áo phông màu đỏ với dòng chữ "Be The Reds!" (Hãy là đội đỏ), và hô vang “Đại Hàn dân quốc” để cổ vũ cho đội nhà yêu quý của mình. Sự cổ vũ cuồng nhiệt này đã gây ấn tượng sâu sắc và thậm chí còn xuất hiện trên các đài truyền hình nổi tiếng như CNN, Eurovision…

Báo chí nước ngoài đã tỏ ra rất ngạc nhiên trước chiến thắng bất ngờ của đội tuyển Hàn Quốc cũng như lòng đam mê bóng đá một cách rất có trật tự của các cổ động viên nước chủ nhà. Nhà báo thể thao Kim Se-hoon mô tả lại không khí khi đó: “Nhiều người nước ngoài đã vô cùng ngỡ ngàng với cách cổ vũ tập thể của các cổ động viên Hàn Quốc. Thường thì các fan hâm mộ thể thao nước ngoài ăn mừng mỗi người theo cách của riêng mình, trong khi cổ động viên Hàn Quốc lại có xu hướng tụ tập lại, cùng nhau nhảy múa với các động tác, điệu bộ và thậm chí cả khẩu hiệu đồng loạt như nhau. Đáng ngạc nhiên hơn, các màn trình diễn cổ vũ ấy lại là ngẫu nhiên chứ không hề có sự chuẩn bị từ trước và lại diễn ra rất trật tự. Báo chí nước ngoài cho rằng khi người ta tụ tập đông người như thế thì rất dễ xảy ra sự cố, chẳng hạn như trường hợp những cổ động viên quá khích gây rối, đánh nhau, ném đồ vào cầu thủ, làm mất trật tự trị an. Nhưng thật may, điều đó đã không xảy ra ở Hàn Quốc kể cả trong lúc người dân cổ vũ cuồng nhiệt nhất. Và điều này đã gây được ấn tượng tốt với các nhà báo nước ngoài.”

Trong trận đấu thứ hai của vòng loại vào ngày 10 tháng 6, Hàn Quốc gặp Mỹ và kết quả là hai đội hòa với tỷ số 1-1. Trận đấu tiếp theo diễn ra bốn ngày sau đó với ứng cử viên đầy tiềm năng cho chức vô địch là đội tuyển Bồ Đào Nha. Các cầu thủ Hàn Quốc đã đối đầu đầy quyết liệt với hàng tiền đạo của đối phương, luôn bám sát họ trong suốt trận đấu. Chiến lược phòng ngự chắc chắn này đã ngăn chặn mọi cơ hội di chuyển tấn công của đội Bồ Đào Nha. Nhà báo Kim Se-hoon nói: “Có thể nói các tuyển thủ Hàn Quốc đã có sự chuẩn bị tuyệt vời về thể lực. Kể từ khi huấn luyện viên trưởng Guus Hiddink lãnh đạo đội tuyển quốc gia Hàn Quốc, ông đã luôn tìm kiếm các cầu thủ có thể chất phù hợp. Vị huấn luyện viên này luôn cho rằng thể lực mạnh là yếu tố hàng đầu để các cầu thủ Hàn Quốc có thể chống đỡ các đối thủ mạnh hơn. Theo đó, từ khi đến Hàn Quốc, ông Hiddink đã ngay lập tức đưa ra một chế độ luyện tập nghiêm ngặt cho các học trò của mình. Một số nhà bình luận thể thao nói rằng Hàn Quốc đã cho thấy những kỹ năng điêu luyện của mình qua một loạt thành tích đáng nể tại World Cup. Nhưng thực tế, đội tuyển của chúng ta chỉ chơi theo cách thức nguyên thủy, tức là khi đối phương bước một, thì chúng ta bước hai bước. Đó là cách Hàn Quốc đánh bại những đối thủ đẳng cấp thế giới.”

Vào khoảng phút thứ 30 của hiệp hai, tiền vệ Park Ji-sung đã dùng ngực đỡ bóng và ghi bàn cho đội tuyển Hàn Quốc. Nhờ đó, Hàn Quốc đã vượt qua Bồ Đào Nha với tỷ số 1-0 và tiến vào vòng 16 đội. Trên đà đó, Hàn Quốc tiếp tục khẳng định sức mạnh của mình từ vòng 16 đội. Trong một trận đấu với Ý, các cầu thủ chủ nhà đã duy trì không để đối phương ghi bàn và cuối cùng hai bên phải đá thêm hiệp phụ. Chung cuộc, Hàn Quốc đã thắng Ý trong hiệp phụ nhờ bàn thắng Vàng của Ahn Jung-Hwan ở phút 117, ấn định tỷ số 2-1.

[Bóng đá Hàn Quốc tiến tới tiêu chuẩn quốc tế qua World Cup 2002]


Tin tức về việc đội tuyển Hàn Quốc lọt vào vòng tứ kết đã làm dậy sóng cả đất nước. Một biển cờ Thái cực (Taegukgi) cùng những lời reo vang cổ vũ ngập tràn các đường phố. Bản tin của Đài Phát thanh và truyền hình Hàn Quốc KBS khi đó đã mô tả trọn vẹn niềm vui sướng này qua giọng tường thuật hân hoan của phóng viên. Sau Bồ Đào Nha, đối thủ tiếp theo của Hàn Quốc là Tây Ban Nha. Hai đội gặp nhau ở vòng tứ kết với kết quả hòa, không có bàn thắng nào được ghi và buộc phải phân định thắng – thua bằng loạt đá luân lưu 11m.

Trong loạt đá luân lưu đầy gay cấn, Đội trưởng Hong Myung-bo của Hàn Quốc đã có cú sút quyết định đưa tới chiến thắng cho Hàn Quốc và giúp đội nhà lập nên thành tích kỳ diệu là lọt vào vòng bán kết. Huấn luyện viên Guus Hiddink, người thầy dẫn dắt đội bóng Hàn Quốc đi đến thành công, khi đó đã phát biểu cảm tưởng: “Tôi không biết phải nói gì bây giờ. Chỉ có thể nói là tôi rất vui sướng vì các cầu thủ đã làm rất tốt. Chúng tôi đã cùng nhau biến ước mơ trở thành hiện thực và tôi tin rằng mọi chuyện chưa dừng lại tại đây. Điều đáng nói nhất là khi tình thế càng khó khăn, thì các cầu thủ càng trở nên kiên cường, mạnh mẽ hơn. Tôi rất tự hào về các học trò của mình.”

Nhưng đà chiến thắng của Hàn Quốc đã bị chặn lại khi phải chịu thua trước đội tuyển Đức trong trận bán kết vào ngày 25 tháng 6 với tỷ số 0-1. Nhà báo Kim Se-hoon kể lại: “Trong trận bán kết với Đức, các tuyển thủ Hàn Quốc đã không thể ngăn được cầu thủ đối phương là Michael Ballack ghi bàn và đây cũng là bàn thắng duy nhất của trận đấu. Nhưng phải khẳng định rằng các cầu thủ Hàn Quốc vẫn giữ được phong độ rất tốt trong trận đấu này. Nếu Hàn Quốc thắng Đức, chúng ta đã có thể tiến tới vòng chung kết tổ chức tại thành phố Yokohama của Nhật Bản. Nhưng tiếc thay, điều đó chỉ có trong tưởng tượng và kỳ vọng. Tuy vậy, không thể phủ nhận rằng các cầu thủ Hàn Quốc đã chơi tốt hơn so với dự kiến khi lần lượt tiến vào tứ kết và bán kết. Đây là kết quả rất đáng khích lệ, đáp ứng sự mong mỏi của người Hàn ở trong và ngoài nước.”

Giải vô địch bóng đá thế giới 2002 diễn ra ở Hàn Quốc và Nhật Bản trong 31 ngày đã kết thúc khi đội tuyển Brazil đánh bại đội tuyển Đức với tỷ số 2-0 và giành ngôi vô địch trong trận chung kết trên sân vận động quốc tế Yokohama (Nhật Bản). Đức về nhì, tiếp theo đó là Thổ Nhĩ Kỳ đứng thứ ba và Hàn Quốc đứng thứ tư. Có thể nói World Cup 2002 là một bước ngoặt lịch sử đối với nền bóng đá Hàn Quốc, là bàn đạp để các cầu thủ tiến ra thế giới. Nhà báo Kim Se-hoon nhận xét: “World Cup 2002 là một minh chứng cho thấy nền bóng đá Hàn Quốc “có thể tiến tới tiêu chuẩn quốc tế”. World Cup cũng đã giúp những cầu thủ như Park Ji-sung, Lee Young-bo khẳng định được tên tuổi và ký hợp đồng với những câu lạc bộ hàng đầu thế giới như Manchester United hay Eindhoven. Nhưng điều quan trọng nhất vẫn là sự khẳng định rằng bóng đá nước nhà đã có thể sánh vai với các cường quốc và khiến Hàn Quốc quan tâm nhiều hơn tới các giải đấu quốc tế.”

Thành tích tại World Cup 2002 còn giúp người dân Hàn Quốc lấy lại sự tự tin đã bị bào mòn trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 1998. Nhà báo Kim Se-hoon nói thêm: “Mặc dù Hàn Quốc đã bị chìm trong khủng hoảng và khó khăn trước đó, nhưng đội tuyển của chúng ta vẫn thi đấu kiên cường và lọt vào vòng tứ kết. Điều này đã tiếp thêm sức mạnh ý chí cho Hàn Quốc để khắc phục những hậu quả do khủng hoảng tài chính gây ra và một lần nữa đưa nền kinh tế cất cánh.”

World Cup Hàn-Nhật diễn ra vào tháng 6 năm 2002 đã làm dậy sóng cả bán đảo Hàn Quốc khi biến ước mơ của Hàn Quốc là lọt vào vòng bán kết trở thành hiện thực. Niềm vui sướng tột cùng khi đó cùng những tiếng hô vang đầy tự hào “Đại Hàn Dân Quốc” sẽ mãi mãi là những kỷ niệm không bao giờ phai mờ trong trái tim của mỗi người dân Hàn Quốc.