Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Cận cảnh Bắc Triều Tiên

Chợ ở Bắc Triều Tiên (Phần 2)

2019-02-28

© KBS

Cho tới nay đã có hơn 400 chợ được chính quyền Bắc Triều Tiên công nhận chính thức. Những ngôi chợ này đang mang lại những thay đổi to lớn và có ý nghĩa cho xã hội miền Bắc, tạo ra một văn hóa dịch vụ mới, cũng như “thế hệ jangmadang” và một tầng lớp giàu có mới gọi là “donju”. Hãy cùng tìm hiểu về những thay đổi mà jangmadang đã đem đến cho quốc gia này.


Chợ với nhiều loại hình phong phú

Các hoạt động chợ búa đã trở nên phổ biến ở Bắc Triều Tiên, với 1,8 triệu người khắp đất nước sử dụng chợ mỗi ngày. Thật dễ dàng hình dung thương gia ở các chợ đang cạnh tranh nhằm có được nhiều khách hàng hơn. Sự cạnh tranh khốc liệt đã dẫn tới sự ra đời của dịch vụ giao hàng theo số điện thoại di động.


Các loại hình chợ cũng trở nên phong phú hơn. Ngoài chợ chính thức mà chính quyền gọi là “chợ toàn thể”, cũng có những chợ bất hợp pháp, như “chợ cóc,” “chợ ngõ hẻm” và “chợ đêm”. Giờ đây, 80-90% người dân Bắc Triều Tiên phụ thuộc vào chợ, dẫn tới số lượng những nhà đầu tư tư nhân, được gọi là “donju”, cũng tăng lên.


Sự nổi lên của tầng lớp giàu có “donju”

Donju, hay người có tiền”, bắt đầu xuất hiện ở Bắc Triều Tiên trong thời kỳ Tháng Ba gian khổ cuối thập niên 1990, khi nước này phải hứng chịu nạn đói trên diện rộng vàgặp khó khăn nghiêm trọng về kinh tế. Hệ thống chia khẩu phần thực phẩm đã sụp đổ và thậm chí các cửa hàng quốc doanh cũng bị đóng cửa. Người dân miền Bắc đành phải tự mình kiếm ăn, mở đường cho sự trỗi dậy của jangmadang, nơi họ có thể trao đổi các nhu yếu phẩm hàng ngày. Trong bối cảnh đó, những người có kỹ năng kinh doanh giỏi đã kiếm được rất nhiều tiền. Tầng lớp mới này, donju, có xuất phát điểm là những thương gia hoạt động tại chợ trong những năm 1990, nhưng giờ thì họ đã mở rộng hoạt động kinh tế ra.


Dựa trên quyền lực tài chính to lớn, tầng lớp donju đầu tư vào một loạt các ngành kinh doanh hấp dẫn, từ xe buýt tư nhân và xe máy ôm, tới cho vay nặng lãi và xây dựng nhà ở, để tích lũy của cải. Đặc biệt, kể từ khi Chủ tịch Kim Jong-un lên nắm quyền năm 2012, donju đã được nhìn nhận như động lực căn bản của việc nước này ngày càng đi theo nền kinh tế thị trường và tư hữu hóa. Dòng chảy của đồng tiền được cho là dòng chảy của nền kinh tế Bắc Triều Tiên.


Thế hệ “jangmadang” ra đời sau năm 1990

Gánh vác đời sống của người dân trong vòng 20 năm qua, chợ giờ đây đã hình thành nên một nguồn vốn khổng lồ cho miền Bắc. Sự biến đổi lớn lao này đang tạo ra ảnh hưởng tới “thế hệ jangmadang”, ám chỉ những người sinh từ năm 1990 trở đi.


Thế hệ jangmadang đã không được hưởng lợi một cách thích đáng từ Nhà nước do sự sụp đổ của hệ thống phân phối công. Tuổi thơ của họ là giai đoạn khó khăn giữa thập niên 1990 và sự trung thành của họ với chính quyền là khá yếu. Khi còn nhỏ, thay vì đến trường, họ sẽ ra chợ để bán hàng vì mưu sinh. Trong quá trình đó, một cách tự nhiên, họ được tiếp xúc với nền kinh tế thị trường và ngày càng bị thu hút bởi các hoạt động kinh tế hơn là các tư tưởng, ý thức hệ. Họ đặt đồng tiền là ưu tiên khi lựa chọn nghề nghiệp, và rất nhiều người sẵn lòng tự mình kinh doanh. Họ cũng hăng hái làm thêm để tích góp tiền cho kinh doanh.


Một số người thuộc thế hệ jangmadang đã dùng tiền kiếm được từ việc làm thêm để kinh doanh bán sỉ, bán lẻ và dịch vụ, hoặc tham gia kinh doanh liên quan đến công nghệ sử dụng Intranet, mạng nội bộ của miền Bắc. Chẳng hạn, một số doanh nhân trẻ bán hàng trên Manmulsang, một kênh bán hàng online nhắm tới người sử dụng mạng Intranet. Manmulsang, nghĩa là “cửa hàng tổng hợp”, bán hơn 4.000 sản phẩm, kể cả giầy dép và thiết bị điện. Đây được coi là phiên bản Bắc Triều Tiên của Amazon.


Bắc Triều Tiên đã hình thành một cơ cấu kinh tế rất khó để duy trì nếu không có kinh tế thị trường. Một số nhà phân tích bày tỏ sự lạc quan rằng hợp tác kinh tế giữa hai miền Nam-Bắc, cũng như động lực cải cách và mở cửa miền Bắc, sẽ có được xung lực lớn, một khi căng thẳng liên Triều được giảm nhẹ. Quả thực, chợ chính là trung tâm của một Bắc Triều Tiên đang tiến bộ nhanh chóng.

Tin mới nhất