Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Cận cảnh Bắc Triều Tiên

Giáo dục tư nhân ở Bắc Triều Tiên

2019-06-27

© KBS

Hàn Quốc được biết đến với kỳ thi đại học có tính cạnh tranh hết sức khốc liệt, cùng phong trào dạy thêm, học thêm rất rầm rộ. Ngày nay, kể cả các nhân viên văn phòng cũng hăng hái đi học vào buổi tối để thích ứng với chính sách mới của Chính phủ, rút ngắn thời gian làm việc xuống còn tuần làm 52 giờ. Thị trường giáo dục tư nhân đang ngày một nở rộ ở miền Nam, và tình trạng tương tự dường như cũng đang xảy ra ở miền Bắc. Hãy cùng tìm hiểu về sự bùng nổ giáo dục tư nhân ở Bắc Triều Tiên.

 

Dù bị cấm về mặt nguyên tắc, thị trường giáo dục tư nhân vẫn đang phát triển

Về mặt lý thuyết, giáo dục tư nhân là hoàn toàn bị cấm ở Bắc Triều Tiên, vốn chủ trương một nền giáo dục công cộng, miễn phí. Tuy nhiên, sau khủng khoảng kinh tế những năm 1990, nền giáo dục công đã bị sụp đổ, khiến nhiều giáo viên phải làm gia sư để đảm bảo cuộc sống mình.

 

Một sự thay đổi trong hoạt động của hệ thống giáo dục cũng đã châm ngòi cho sự bùng nổ của thị trường giáo dục tư nhân. Chính quyền không thể vận hành tốt tất cả các trường học công thông thường vì ngân sách cho giáo dục khá eo hẹpChính phủ buộc phải tài trợ một cách chọn lọc cho các trường hàng đầu nhằm tập trung nguồn lực hiệu quả hơn. Các bậc phụ huynh lo ngại rằng con cái mình, nếu đi học các trường bình thường, rốt cuộc sẽ trở thành lao động, công nhân, còn học sinh được nhận vào các trường danh giá sẽ được bồi dưỡng để trở thành quan chức cấp cao.

 

Vậy là, những người giàu có đã trông cậy vào giáo dục tư nhân để gửi gắm con em mình vào các trường hàng đầu, dù có đắt đỏ đến đâu. Chính sự cạnh tranh gay gắt để có một suất vào các trường này đã dẫn đến cuộc chạy đua về giáo dục tư nhân.

 

Vào được đại học tốt là có tương lai thành công

Ở Bắc Triều Tiên, vào được đại học là lối đi ngắn nhất tới tương lai thành công và là con đường danh giá dẫn tới các chức vụ trong đảng Lao động. Đặc biệt, việc vào được các trường đại học tinh hoa sẽ đảm bảo được một cuộc sống thành công và thoải mái. Vì vậy, thật dễ hiểu khi quan chức cấp cao và người giàu có sẵn sàng làm bất cứ thứ gì để có thể gửi con em mình vào các trường đại học hàng đầu.

 

Trong kỳ thi đại học, học sinh phải làm bài thi các môn Lịch sử cách mạng Kim Nhật Thành và Kim Jong-il, Toán, Lý, Hóa, Ngôn ngữ và văn học Hàn và Ngoại ngữ. Đề thi theo dạng câu trả lời ngắn hoặc bài luận dài. Chẳng hạn, để vào được Đại học Kim Nhật Thành danh giá, học sinh phải đạt điểm cao trong khoảng 0,4% top đầu.

 

Để giúp con em thi đạt điểm cao, các bậc phụ huynh có điều kiện sẽ thuê gia sư dạy các môn nói trên cho con mình. Trong nhiều trường hợp, học sinh mong muốn vào những trường đại học hàng đầu sẽ được dạy kèm trực tiếp bởi các sinh viên tốt nghiệp hoặc các Giáo sư từ những trường đại học này. Ngày nay, kể cả trẻ em cũng học gia sư.

 

Sau khi hoàn thành 5 năm tiểu học, học sinh sẽ thi lên trung học cơ sở. Trường trung học cơ sở Jeil, một trường chuyên dành cho học sinh có năng khiếu ở mỗi địa phương, là được ưa chuộng hơn cả. Học sinh tốt nghiệp từ đây ra đều được nhận vào các trường đại học hàng đầu, như Đại học Kim Nhật Thành, Đại học công nghệ Kimchaek, hoặc Đại học Y Bình Nhưỡng. Giáo dục ngoại ngữ bắt đầu từ rất sớm, thậm chí là cả ở mẫu giáo, vì người miền Bắc nghĩ rằng những ai giỏi ngoại ngữ đều có thể dễ dàng kiếm được ngoại tệ.

 

Công việc dạy và học gia sư thường được diễn ra ở nhà của học sinh hay giáo viên. Nếu đông học sinh, các bậc phụ huynh thậm chí còn dùng quan hệ cá nhân để thuê một tòa nhà làm chỗ dạy-học, dù có là bất hợp pháp.

 

Chi phí leo thang do thị trường giáo dục tư nhân nóng lên

Giới chức giáo dục soát chặt chẽ sự bùng nổ của giáo dục tư nhân, nhưng thật không dễ gì ngăn chặn được vi phạm. Bản thân những người chịu trách nhiệm về giáo dục lại chính là những ông bố, bà mẹ cho con em mình học gia sư. Kể cả nếu bị bắt, họ sẽ hối lộ để thoát rắc rối.

 

Đối với những bậc phụ huynh có thể chi trả cho gia sư, các khoản hối lộ cũng không hề là gánh nặng quá lớn. Ngày càng có nhiều ông bố, bà mẹ ở miền Bắc sẵn sàng chi đến cùng để con cái tiếp cận với giáo dục tư nhân, bất chấp quy định.

 

Khó lòng kiểm soát tình trạng bùng nổ của giáo dục tư nhân

Khủng hoảng kinh tế trong thập niên 1990 đã mang đến một thay đổi quan trọng trên hầu hết các lĩnh vực ở Bắc Triều Tiên, trong đó có giáo dục. Để vượt qua khó khăn kinh tế, miền Bắc đã chuyển sự tập trung trong chính sách giáo dục sang đào tạo, bồi dưỡng chuyên gia về khoa học và công nghệ, ngoại ngữ và máy tính. Nói cách khác, Bình Nhưỡng nỗ lực đạt được phát triển mau chóng thông qua việc ươm mầm tài năng. Tuy nhiên, nỗ lực trên đã dẫn tới sự bùng nổ của thị trường giáo dục tư nhân. Xu thế này được dự đoán là sẽ còn tiếp tục mạnh mẽ hơn nữa, trừ phi giáo dục tại nước này được cải thiện theo hướng đa dạng, tư hữu hóa.

Tin mới nhất