Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Cận cảnh Bắc Triều Tiên

Làn sóng Hàn Quốc ở Bắc Triều Tiên

2019-07-04

© KBS

Sự bùng nổ của văn hóa đại chúng Hàn Quốc, còn được biết đến là làn sóng “Hallyu”, đang len lỏi tới từng ngõ ngách của bản đồ thế giới. Mới đây, nhóm nhạc nam hàng đầu K-pop BTS (Đoàn thiếu niên chống đạn) đã có chuyến lưu diễn tại các thành phố lớn như London (Anh), quê hương của nhạc pop. Ngoài K-pop, ẩm thực, phim ảnh, thời trang và các sản phẩm làm đẹp của Hàn Quốc cũng đã thu hút được sự chú ý đặc biệt của cư dân toàn cầu, trong đó có quốc gia khép kín nhất thế giới là Bắc Triều Tiên. Hãy cùng tìm hiểu về quá trình thâm nhập và mở rộng của văn hóa đại chúng miền Nam ở miền Bắc.

 

Bước ngoặt nhờ Hội nghị thượng đỉnh liên Triều đầu tiên năm 2000

Ở Bắc Triều Tiên, K-pop bị lên án là “lối sống tội lỗi” và “cơn bão cát của chủ nghĩa tư bản”. Chính quyền nước này cấm người dân xem hoặc nghe các bộ phim, bài hát Hàn Quốc một cách nghiêm ngặt, gắn cho chúng cái mác là các sản phẩm đồi trụy. Trước đây, những ai vi phạm sẽ bị bỏ tù, thậm chí còn phải đối mặt với án tử hình hoặc tù chung thân.

 

Tuy nhiên, Hallyu bắt đầu len lỏi vào Bắc Triều Tiên từ năm 2000, khi Tổng thống Hàn Quốc khi đó là Kim Dae-jung tới thăm Bình Nhưỡng dự Hội nghị thượng đỉnh liên Triều đầu tiên trong lịch sử. Nhân sự kiện này, lãnh đạo miền Nam đã tặng quà là một số bộ phim truyền hình, điện ảnh Hàn Quốc cho Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng miền Bắc Kim Jong-il. Giờ đây, Hallyu đã vượt qua biên giới Trung-Triều vào miền Bắc và len lỏi khắp các địa phương của quốc gia khép kín này.

 

Hallyu, ô cửa sổ mới mẻ để hiểu về Hàn Quốc

Đối với người dân miền Bắc, Hallyu là một ô cửa sổ hoàn toàn mới lạ, qua đó họ có thể nhìn ra thế giới bên ngoài. Họ đã sống quá lâu trong một xã hội khép kín, nơi rất khó để có thể tự mình tận hưởng văn hóa. Các nội dung văn hóa Hàn Quốc giúp họ khám phá ra nhiều khía cạnh mới mẻ về quốc gia láng giềng của mình, đồng thời trải nghiệm tự do một cách gián tiếp. Trái ngược với những gì được dạy, người miền Nam trong các bộ phim dường như được hưởng một cuộc sống tự do, sung túc và thỏa mái. Được biết, rất nhiều người Bắc Triều Tiên sử dụng Hallyu như một công cụ để thoát ra khỏi thực tại chán nản và bế tắc, dù chỉ là trong chốc lát.

 

Các sản phẩm văn hóa Hàn Quốc tràn vào Bắc Triều Tiên từ Trung Quốc như hàng hóa buôn lậu, và rồi được bán ở chợ tư nhân, còn gọi là “jangmadang”. Người dân miền Bắc có thể dễ dàng xem tài liệu video của miền Nam trên đĩa CD hoặc DVD nếu có máy tính cá nhân, TV màu hay đầu máy. Sự phát triển của truyền thông kỹ thuật số giúp người dân dễ dàng thoát khỏi các biện pháp trấn áp hơn.

 

Một bộ phim truyền hình dài 20 tập của miền Nam được sao chép vào đĩa CD và bán ở chợ miền Bắc chỉ một tuần sau khi kết thúc công chiếu. Một số bộ drama và phim điện ảnh Hàn Quốc nổi tiếng toàn cầu, như “Vì sao đưa anh tới”, “Mặt trăng ôm Mặt trời”, “Hậu duệ Mặt trời”, “Sứ mệnh truy sát”, “Điệp vụ kép”, “Hứa với cha”, cũng rất nổi tiếng ở Bắc Triều Tiên. Nhiều người miền Bắc còn yêu thích các show truyền hình thực tế của miền Nam như “Ba bữa một ngày”, “Hai ngày một đêm” và “Thử thách cực đại”, trong khi giới trẻ thì hâm mộ cuồng nhiệt các nhóm nhạc K-pop như BTS.

 

Để ngăn chặn sự phổ biến của làn sóng văn hóa Hàn Quốc, chính quyền Bắc Triều Tiên kiểm soát biên giới với Trung Quốc và chấn chỉnh tất cả thiết bị truyền thông có chứa nội dung liên quan tới Hallyu. Tuy nhiên, làn sóng này đã trở nên thịnh hành tới mức kể cả nhiều quan chức miền Bắc cũng thích K-pop. Đi kèm với việc tăng cường sở hữu các nội dung văn hóa miền Nam ở miền Bắc, người dân địa phương cũng đang rất hứng thú với hàng hóa do Hàn Quốc sản xuất.

 

Làn sóng Hàn Quốc làm thay đổi lối sống của người Bắc Triều Tiên

Lối sống Hàn Quốc được mô tả qua các show truyền hình, phim ảnh và âm nhạc đang thay đổi cuộc sống của người dân Bắc Triều Tiên. Chẳng hạn, những chiếc nồi cơm áp suất, thường xuất hiện trong các bộ phim truyền hình miền Nam, đang trở thành một trong những món đồ quan trọng cần chuẩn bị trong lễ cưới ở miền Bắc. Ngày càng nhiều người dân uống loại cà phê pha sẵn rất phổ biến trong phim ảnh và được quảng cáo nhiều của miền Nam. Phụ nữ thì bắt chước ngoại hình và kiểu tóc của các diễn viên Hàn Quốc nổi tiếng. Ví dụ, phong cách trang điểm của nữ diễn viên Jeon Ji-hyun, nữ chính trong bộ phim truyền hình ăn khách “Vì sao đưa anh tới”, đã “gây sốt” ở miền Bắc vài năm về trước.

 

Sự bùng nổ của văn hóa đại chúng Hàn Quốc cũng đã mang lại một thay đổi trong ngôn ngữ Bắc Triều Tiên. Trước đây, người miền Bắc hiếm khi sử dụng kính ngữ khi nói chuyện với nhau, kể cả với người lớn tuổi hơn, bởi kính ngữ chỉ được dùng cho lãnh đạo tối cao. Tuy nhiên, việc sử dụng kính ngữ một cách nhẹ nhàng, lịch sự trong các bộ phim Hàn Quốc đang ảnh hưởng tới lối suy nghĩ và cách nói của người Bắc Triều Tiên.

 

Người dân miền Bắc tự hỏi bản thân rằng “Tại sao Hàn Quốc có thể đạt được sự phát triển kinh tế lớn đến như vậy?” và “Tại sao những người bên kia biên giới lại  tự do đến vậy?” Từ những câu hỏi như thế, sự thay đổi trong cách suy nghĩ sẽ dẫn tới thay đổi tổng thể trong xã hội một cách tự nhiên, đồng thời thu hẹp cách biệt giữa hai miền về tư tưởng và văn hóa. Hallyu chính là trung tâm của sự chuyển dịch đầy ý nghĩa này.

Tin mới nhất