Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Cận cảnh Bắc Triều Tiên

Ngôn ngữ của Bắc Triều Tiên

2019-04-18

© KBS

Kể từ khi Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên thành lập hai Chính phủ riêng rẽ năm 1948, rất nhiều thứ, trong đó có ngôn ngữ, đã phát triển một cách độc lập tại hai miền Nam-Bắc bán đảo Hàn Quốc. Mặc dù một thứ ngôn ngữ đồng nhất đã từng được sử dụng, song 70 năm chia cắt đã dẫn tới những khác biệt lớn trong việc sử dụng ngôn ngữ giữa hai miền. Hãy cùng tìm hiểu về ngôn ngữ và chính sách ngôn ngữ ở miền Bắc.

 

Tính không đồng nhất về ngôn ngữ giữa hai miền

Hàn Quốc đã đề ra các quy định về chính tả Hangeul và cách phát âm tiêu chuẩn, xem xét đến những sự thay đổi về mặt ngôn ngữ xuất hiện kể từ sau cuốn sách hướng dẫn “Đề xuất về phép chính tả tiếng Hàn thống nhất” năm 1933. Trái lại, “tiếng văn hóa” lại mang tính biểu trưng cho ngôn ngữ chính thức của Bắc Triều Tiên, dĩ nhiên là khác biệt với “tiếng tiêu chuẩn” của Hàn Quốc. Dựa trên lối nói của tầng lớp lao động, phiên bản tiêu chuẩn của tiếng Hàn tại miền Bắc đã thay thế phần lớn các từ vựng có chứa chữ Hán và từ ngoại lai bằng từ thuần Hàn.

 

 Ký hiệu ngôn ngữ cũng khác biệt

Người Hàn Quốc không phát âm và viết tất cả các âm tiết “r” và một số âm tiết “n”, trong khi người Bắc Triều Tiên lại giữ chúng. Miền Bắc sử dụng những sự khác biệt về chính tả và phiên âm trên nhằm làm nổi bật bản sắc ngôn ngữ và quốc gia của mình. Một điểm khác biệt nữa là âm “s” được thêm vào khi cấu thành một số từ ghép ở miền Nam, trong khi lại bị bỏ đi ở miền Bắc. Bắc Triều Tiên cũng dùng các phụ âm đôi để phát âm một số từ như “wonssu” (kẻ thù) và “bokssu” (báo thù), khiến chúng nghe có vẻ dữ dằn hơn. Trong phát thanh và truyền hình, các phát thanh viên sử dụng tông giọng trầm bổng lên xuống và gây hấn thù địch nhằm kích động người nghe. Việc sử dụng ngôn ngữ ở đất nước này chủ yếu là để tập trung nhấn mạnh tư tưởng chính trị.

 

Sử dụng ngôn ngữ để phát huy chủ nghĩa xã hội

Bắc Triều Tiên sử dụng ngôn ngữ như một công cụ không phải chỉ để giao tiếp, mà còn là để tuyên truyền tư tưởng chính trị. Đó là lý do vì sao một số cụm từ ở miền Bắc được cấu thành chỉ vì mục đích duy nhất là chỉ trích chủ nghĩa tư bản và ca ngợi chủ nghĩa xã hội. Việc sử dụng các danh xưng kính cẩn quá mức khi đề cập tới các lãnh đạo của đất nước cũng có thể được hiểu trong bối cảnh này. Bởi miền Bắc đang nhấn mạnh tầm quan trọng của độc lập và tự lực cánh sinh, nước này cũng đang cố gắng chuyển các cách biểu hiện ngoại lai thành từ ngữ thuần Hàn.

 

Du nhập tiếng Trung và tiếng Nga

Bắc Triều Tiên đã thay thế từ ngữ có hàm chứa các chữ Hán khó bằng từ ngữ thuần Hàn. Kết quả là, miền Nam và miền Bắc sử dụng các cách biểu hiện khác nhau khi cùng chỉ một thứ. Miền Bắc tự tin rằng ngôn ngữ của mình bảo tồn được truyền thống và bản sắc dân tộc tốt hơn “tiếng tiêu chuẩn” của Hàn Quốc. Nhưng điều này không có nghĩa Bắc Triều Tiên từ chối tất cả từ vựng nước ngoài. Trên thực tế, ngôn ngữ của miền Bắc đã du nhập rất nhiều từ tiếng Trung và tiếng Nga. Trái lại, từ vựng của Hàn Quốc hàm chứa rất nhiều các cách biểu hiện của tiếng Anh và tiếng Nhật. Khác biệt về ngôn ngữ đang tạo ra thách thức lớn đối với những người tị nạn Bắc Triều Tiên cố gắng ổn định cuộc sống tại Hàn Quốc.

 

Rào cản ngôn ngữ gây khó khăn cho người tị nạn miền Bắc

Theo kết quả khảo sát những người tị nạn Bắc Triều Tiên do Bộ Thống nhất tiến hành năm 2014, hơn 40% người được hỏi đã viện dẫn vấn đề giao tiếp có nguyên nhân là từ ngữ ngoại lai là một trong những lý do khiến cuộc sống của họ tại Hàn Quốc rất khó khăn. Tiếng Hàn được sử dụng tại miền Nam và miền Bắc khác nhau tới 34% về mặt từ vựng thông thường và 64% về từ ngữ kỹ thuật. Như một phần nỗ lực nhằm lấp đầy khoảng cách về ngôn ngữ trên, hai miền Nam-Bắc kể từ năm 2005 đã tiến hành một dự án biên soạn cuốn từ điển tiếng Hàn thống nhất, gọi là “Đại từ điển tiếng Hàn”.

 

Biên soạn “Đại từ điển tiếng Hàn” để vượt qua rào cản ngôn ngữ

Người Hàn từ rất lâu đã sử dụng cùng một thứ ngôn ngữ, nhưng ngôn ngữ giữa miền đã khác biệt một cách đáng kể chỉ trong vòng vài thập niên, khiến họ nhiều khi khó giao tiếp được với nhau. Rào cản ngôn ngữ chắc chắn là một chướng ngại vật lớn trên con đường của trao đổi và kết nối liên Triều. Hy vọng rằng dự án từ điển chung, vốn đã hoànthành được 80%, sẽ tiến triển luận lợi và hai miền sẽ có thể đạt được thống nhất, trước tiên là về mặt ngôn ngữ.

Tin mới nhất