Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Cận cảnh Bắc Triều Tiên

Hệ thống hậu cần ở Bắc Triều Tiên

2019-06-06

© KBS

Nhằm đáp ứng xu thế tiêu dùng và nhu cầu về mạng lưới phân phối, ngành công nghiệp giao hàng đang mau chóng lớn mạnh. Amazon, trang bán hàng trực tuyến lớn nhất thế giới, cung cấp dịch vụ giao hàng trong ngày, cam kết khách hàng sẽ nhận được bưu phẩm trong vòng 24 giờ. Ở Úc, máy bay không người lái được dùng để vận chuyển thực phẩm và thuốc men. Trong khi các rô-bốt giao hàng xuất hiện tại nhiều ngôi trường ở Mỹ, một dịch vụ giao hàng đặc biệt của Hàn Quốc cam kết chuyển hàng lúc 7 giờ sáng cho các đơn hàng trước nửa đêm. Dường như dịch vụ giao hàng đã được đa dạng hóa trên khắp thế giới, và Bắc Triều Tiên cũng không phải là ngoại lệ. Hãy cùng tìm hiểu về những thay đổi trong hệ thống hậu cần của miền Bắc.

 

Sự xuất hiện của “servi-cha”

Đường sắt là công cụ vận chuyển quan trọng ở Bắc Triều Tiên, bởi nước này chỉ mở 10% đường xá và tổng chiều dài của các con đường chỉ bằng 21% đường xá ở Hàn Quốc. Tuy nhiên, các tuyến đường sắt lạc hậu ở miền Bắc lại không thể hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên chở vì không được bảo dưỡng, nâng cấp.

 

Kinh tế khó khăn và sự bất tiện của đường sắt đã mở đường cho một công cụ vận tải thay thế, gọi là “servi-cha”, một sự kết hợp giữa “servi” (dịch vụ) và “cha” (xe, phương tiện). Ở miền Bắc, “servi-cha” chỉ tất cả các loại phương tiện được sử dụng để vận chuyển hàng hóa kiếm tiền. “Servi-cha” giao hàng một cách an toàn tại địa điểm và thời gian cố định, kết nối khách hàng và bên dịch vụ thông qua điện thoại di động.

 

Một hình thức kinh tế tự vận hành, xuất phát từ nhu cầu của người dân

“Servi-cha” nổi lên từ giữa những năm 1990, khi nhiều người bắt đầu hành nghề bán dạo, mang hàng hóa của họ đi khắp đất nước. “Xe dịch vụ” đã phản ánh sự trỗi dậy của nền kinh tế thị trường ở Bắc Triều Tiên. Ban đầu, những phương tiện thuộc sở hữu của quân đội, hoặc các doanh nghiệp Nhà nước được sử dng làm “xe dịch vụ”. Những người bán hàng rong trả tiền mượn xe để vận chuyển hàng hóa. Ngày nay, không chỉ xe tải chở hàng và xe quân đội, mà ngay cả xe buýt, xe máy cũng được sử dụng như các phương tiện hậu cần.

 

“Servi-cha” là một công cụ quan trọng, kết nối những người bán buôn với các thương lái ở chợ tư nhân. Cùng với sự phát triển nhanh chóng của chợ, số lượng phương tiện hậu cần đã tăng lên đáng kể, khiến các nhà vận hành “xe dịch vụ” khó có thể kiếm lời lớn.

 

Yêu cầu qua điện thoại di động, chuyển hàng đi muôn nơi

Việc điện thoại di dộng được dùng phổ biến ở Bắc Triều Tiên cũng đã cho phép người dân chia sẻ thông tin liên quan, nhờ đó góp phần giảm thiểu phần nào chi phí vận chuyển. Đây không chỉ là thay đổi duy nhất mà “servi-cha” mang lại.

 

Trước đây, người miền Bắc dùng bưu điện của Nhà nước để gửi hàng hóa. Gửi hàng qua bưu điện không chỉ mất nhiều thời gian, mà còn bị quy định về kích cỡ và nội dung bưu phẩm. Tất cả các vấn đề này đều được giải quyết nhờ “servi-cha”. Không hề có hạn chế về kích cỡ hay nội dung của hàng hóa, cũng như khoảng cách di chuyển. Vì vậy, “xe dịch vụ” cho phép người sử dụng nhận được cả hàng hóa tươi như thịt, cá, hoa quả chỉ trong vài ngày. Giữa bối cảnh cạnh tranh khốc liệt, giao hàng chuẩn xác đã trở thành điểm then chốt đối với các nhà vận hành “servi-cha” và vì thế, họ càng nỗ lực hơn để cải thiện chất lượng dịch vụ. Chẳng hạn, các nhà điều phối thuê nhân công bốc dỡ hàng lên xe để đảm bảo tính an toàn và hiệu quả. Sự phát triển của dịch vụ giao hàng nhờ đó cũng đã tạo ra nhiều việc làm mới.

 

Cấm sở hữu tư nhân đối với “xe dịch vụ”

Về cơ bản, người dân Bắc Triều Tiên không có quyền sở hữu phương tiện. Tuy nhiên, do chợ tư nhân ngày càng sinh sôi nảy nở ở miền Bắc, tầng lớp mới của những người giàu (gọi là “donju”) đã nhập khẩu xe buýt, xe tải chở hàng và ô tô từ Trung Quốc và nhiều nước khác để gia nhập lĩnh vực kinh doanh béo bở này. Nhiều doanh nhân giàu có cũng đăng ký phương tiện mà họ mua lại từ các doanh nghiệp Nhà nước để vận hành “servi-cha”.

 

Thế nhưng, chính quyền miền Bắc vẫn đang nhắm mắt làm ngơ, bởi sự sụp đổ của “xe dịch vụ” sẽ dẫn tới tình trạng đứt gãy về hậu cần, khiến giá cả leo thang và gây ra bất mãn trong người dân. Có thể nói, “servi-cha” đã tạo ra một trục căn bản cho mạng lưới phân phối ở Bắc Triều Tiên. Do Nhà nước không thể cung cấp đầy đủ phương tiện vận chuyển, các nhân tố của một nền kinh tế thị trường đã được áp dụng vào hệ thống vận tải của nước này, cũng như nhiều lĩnh vực khác.

Tin mới nhất