Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Cận cảnh Bắc Triều Tiên

Thực đơn ngày Tết Trung thu ở Bắc Triều Tiên

2019-09-12

© KBS

Tết Trung thu (Chuseok) một trong hai dịp lễ lớn nhất trong năm tại Hàn Quốc, bắt đầu từ ngày 12/9. Trong dịp lễ truyền thống này, phương tiện giao thông trên khắp các xa lộ lớn nườm nượp nối đuôi nhau chở người dân về quê sum họp với gia đình người thân. Nhà nhà bận rộn chuẩn bị thức ăn để cùng nhau thưởng thức, cũng như dùng cho nghi thức cúng tổ tiên. Vậy thì phía bên kia bán đảo Hàn Quốc thì sao, người dân ở đó tận hưởng kỳ nghỉ Tết Trung thu như thế nào? Hôm nay, hãy cùng tìm hiểu về thực đơn cho dịp lễ đặc biệt này ở miền Bắc, qua phần phân tích của chuyên gia ẩm thực Bắc Triều Tiên Ahn Young-ja, người từng làm đầu bếp đặc biệt tại nhà khách thuộc Lực lượng vũ trang nhân dân ở miền Bắc.

 

Tết Trung thu đơn giản là dịp chuẩn bị thức ăn mà tổ tiên yêu thích

Ở Bắc Triều Tiên, Tết Trung thu là một ngày lễ truyền thống. Cho đến giữa những năm 1980, các ngày lễ truyền thống được coi là một tàn dư của chế độ phong kiến còn sót lại. Nhưng kể từ khi Tết Trung thu được hồi sinh vào năm 1988, người dân Bắc Triều Tiên đã lấy ngày 15/8 âm lịch làm ngày lễ thu hoạch truyền thống, giống như Hàn Quốc. Trong khi người Hàn Quốc tận hưởng kỳ nghỉ ít nhất ba ngày, thì người Bắc Triều Tiên chỉ được nghỉ một ngày, bởi lẽ đối với quốc gia này, các ngày kỷ niệm như ngày sinh của nhà lãnh đạo sáng lập đất nước Kim Nhật Thành còn quan trọng hơn các ngày lễ truyền thống như Tết Trung thu hay Tết Nguyên đán. Khác với miền Nam, nơi việc thiết lập bàn thờ cúng theo quy tắc truyền thống, bao gồm quy định về vị trí của các món thịt, cá hoặc trái cây, thì ở miền Bắc, Tết Trung thu chỉ đơn giản là dịp chuẩn bị thức ăn mà tổ tiên họ yêu thích. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là người Bắc Triều Tiên thể hiện thiếu sự chân thành. Họ thường chuẩn bị các món ăn nghi lễ khá sớm.

 

Các món ăn nghi lễ được chuẩn bị khá sớm

Không phải mọi hộ gia đình ở Bắc Triều Tiên đều có điều kiện mua được các nguyên liệu chất lượng hàng đầu như gia đình chuyên gia Ahn Young-ja thời kỳ trước đây. Vậy nhưng mọi người không tiếc công sức để chuẩn bị thức ăn cúng lễ. Khi Tết Trung thu cận kề, hàng dài người đứng trước các nhà máy địa phương chờ để giã gạo thành bột, tốp khác thì đi đến chợ tư nhân hay còn gọi là jangmadang, để mua các loại thực phẩm khác nhau như hải sản, thịt, giá đỗ và củ cải. Khi đi mua sắm, hầu hết người dân miền Bắc phải đi bộ, mang theo các gói hàng từ nơi này sang nơi khác, vì không có xe riêng. Các nguyên liệu khó kiếm được sử dụng để làm các món ăn ngon rồi bày lên bàn thờ.

 

Hai miền Nam-Bắc sử dụng các nguyên liệu khác nhau

Hai miền Nam-Bắc sử dụng các nguyên liệu khác nhau cho cùng một lễ Tết Trung thu. Chẳng hạn, người Hàn Quốc nấu súp củ cải với thịt bò, còn ở phía Bắc bán đảo thì dùng thịt lợn vì thịt bò rất hiếm. Ở Bắc Triều Tiên, các hộ gia đình thường nhận thịt bò và thịt lợn theo khẩu từ hồi mùa xuân và bảo quản bằng muối, để giữ cho đến tận Tết Trung thu, lúc này mới lấy ra thái hạt lựu để nấu súp. Tương tự, người dân phía Bắc dùng thịt lợn thay vì thịt bò như ở phía Nam cho món thịt nướng. Thịt viên và cá tra phi lê chiên dạng cá tuyết hoặc cá minh thái, là những món ăn phổ biến vào ngày lễ ở miền Nam, song thật khó để tìm thấy chúng trên bàn thờ của người dân miền Bắc. Thay vào đó, người dân Bắc Triều Tiên dùng các loại cá quý hiếm như cá thu atka và cá chim. Họ làm bánh bằng lúa miến và đậu đỏ, thay vì cá phi lê. Thậm chí thi thoảng, họ đặt 6 hoặc 7 quả trứng luộc lên bàn thờ. Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên cũng khác nhau ở bánh Songpyeon, loại bánh gạo hình bán nguyệt truyền thống trong Tết Trung thu. Bánh songpyeon của Bắc Triều Tiên to gấp hai đến ba lần so với của Hàn Quốc. Trong nhiều trường hợp, đậu, đậu đỏ và rau củ cải khô được sử dụng làm nhân bánh. Ở vùng núi phía Bắc, củ cải cắt nhỏ, giá đỗ hoặc khoai tây có thể được nhồi bên trong bánh gạo. Người Bắc Triều Tiên thường làm một lượng lớn bánh songpyeon trong kỳ nghỉ.

 

Một thời khắc hiếm hoi để làm nhiều bánh gạo và thưởng thức trong một thời gian dài

Trước đây, gần như không thể sản xuất gạo ở khu vực phía Bắc lạnh lẽo của Bán đảo Hàn Quốc. Thậm chí ngày nay, sản lượng gạo của Bắc Triều Tiên cũng không nhiều. Vì vậy, Tết Trung thu là một thời khắc hạnh phúc hiếm hoi với người dân địa phương để làm nhiều bánh gạo và thưởng thức trong một thời gian dài. Một trong chiếc bánh gạo như vậy có tên là nochi. Để làm nochi, cần cho nước sôi vào hỗn hợp gồm bột kê và bột nếp rồi nhào, sau đó hấp lên, thêm mạch nha bột để kích thích quá trình lên men, rồi duỗi phẳng tròn trước khi chiên. Bánh gạo một khi đã lên men sẽ ngọt và dai hơn, và có thể được dự trữ ăn trong suốt mùa đông dài. Những viên cơm ngọt được phủ hạt dẻ cũng là một loại bánh gạo khác mà người dân Bắc Triều Tiên thưởng thức vào dịp Tết Trung thu. Với thức ăn và bánh gạo đã chuẩn bị, mọi người tổ chức nghi thức cúng tổ tiên vào buổi sáng, tỏ lòng thành kính trước mộ của tổ tiên rồi về ngồi quây quần thưởng thức các món ăn cùng với các thành viên trong gia đình. Họ hồi tưởng về tổ tiên và tận hưởng khoảng thời gian tuyệt vời bên nhau. Vào buổi chiều, mọi người chơi các trò chơi dân gian như đánh cờ truyền thống sử dụng 4 cây gậy gỗ, đá cầu và cưỡi xích đu với người thân và bạn bè.

Tết Trung thu hẳn là thời gian cho các cuộc họp mặt đoàn tụ gia đình và một bữa tiệc bội thu. Không khí ngày lễ này khá giống nhau ở cả hai miền Nam-Bắc bán đảo Hàn Quốc. Trong dịp lễ năm nay, hy vọng người dân ở cả hai bên biên giới sẽ thực hiện hóa được mong muốn về một Hàn Quốc thống nhất hòa bình, ngắm nhìn Mặt trăng tròn, lớn và sáng rực.

Tin mới nhất