Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Cận cảnh Bắc Triều Tiên

Xuất khẩu lao động ở Bắc Triều Tiên

2019-11-07

© KBS

Liên hoan phim quốc tế về nhân quyền của Bắc Triều Tiên đã được tổ chức tại Seoul từ 01/11 đến 3/11 nhằm kêu gọi sự chú ý đến vấn đề nhân quyền và xã hội ở miền Bắc. Bộ phim tài liệu mở màn “Anh hùng đô la” là một bộ phim hiếm hoi mô tả cách người lao động Bắc Triều Tiên được gửi đi nước ngoài để kiếm ngoại tệ. Hôm nay, hãy cùng tìm hiểu thêm về xuất khẩu lao động ở Bắc Triều Tiên với Giáo sư Chung Eun-chan đến từ Viện Giáo dục Thống nhất thuộc Bộ Thống nhất.

 

Xuất khẩu lao động là chương trình lớn của chính phủ

Sau khi gửi 15.000 thợ đốn củi đến Liên Xô năm 1967, Bắc Triều Tiên tiếp tục gửi công nhân tới châu Phi miễn phí những năm 1970 khi họ xây dựng dinh tổng thống ở Madagascar và tòa nhà quốc hội ở Cộng hòa Trung Phi. Thời điểm đó, Bắc Triều Tiên đã thành lập liên minh chính trị với các nước châu Phi có thù địch với Mỹ bằng cách giúp xây dựng miễn phí các tòa nhà ở nước sở tại.

Mục tiêu chính trị đã được chuyển hướng sang kinh tế trong thời kì lãnh đạo của con trai cố lãnh tụ Kim Nhật Thành và người kế nhiệm Kim Jong-il. Bắc Triều Tiên kiếm tiền bằng cách gửi công nhân đến 45 quốc gia khác ngoài các đồng minh truyền thống như Trung Quốc và Nga. Ngành nghề hoạt động cũng được mở rộng từ khai thác gỗ và xây dựng đến nhà hàng, đánh bắt cá, may vá, kinh doanh khách sạn, công nghệ thông tin và điều trị y tế. Số lượng lao động được gửi ra nước ngoài bắt đầu tăng mạnh kể từ khi Chủ tịch Kim Jong-un lên nắm quyền.

 

Xuất khẩu lao động tăng mạnh kể từ khi Chủ tịch Kim Jong-un lên nắm quyền

Các lệnh trừng phạt quốc tế khiến Bắc Triều Tiên khó thu được ngoại tệ thông qua các hoạt động trao đổi kinh tế thông thường. Chính vì lẽ đó, miền Bắc đã phái ngày càng nhiều công nhân ra nước ngoài. Tình hình trong nước của Trung Quốc và Nga cũng góp phần thu hút đông đảo lao động Bắc Triều Tiên. Trong khi Trung Quốc đang tìm mọi cách để đối phó với chi phí lao động tăng mạnh, song song với tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh của nước này, thì Nga lại đang vật lộn với tình trạng thiếu lao động, đặc biệt trong các ngành cần làm việc chân tay nặng nhọc. Hiện tại, ước tính có khoảng 50.000 đến 120.000 lao động Bắc Triều Tiên đang làm việc tại khoảng 50 quốc gia trên thế giới.

 

Quy trình tuyển chọn sàng lọc ngặt nghèo

Người Bắc Triều Tiên được gửi ra nước ngoài thường là binh lính hoặc thường dân thuộc các doanh nghiệp hoặc nhóm xã hội. Các công ty miền Bắc cũng cung cấp lao động cho các chi nhánh ở nước ngoài. Để được cử đi với tư cách là nhân viên công ty, họ phải là thành viên của Đảng lao động và không có người thân hay người quen ở nước đó. Ngoài việc xem xét tài liệu, phỏng vấn và kiểm tra thể chất, Chính phủ cũng kiểm tra lý lịch gia đình, họ hàng đến đời thứ ba. Trong trường hợp người lao động đã kết hôn, lý lịch của gia đình vợ hoặc chồng cũng được kiểm tra.

Mặc dù quy trình sàng lọc ngặt nghèo, nhiều người dân miền Bắc vẫn hy vọng được làm việc ở nước ngoài vì có thể kiếm nhiều tiền hơn. Thậm chí, một số người còn cố gắng mua chuộc các quan chức. Mặc dù kiếm được nhiều tiền, nhưng họ không được phép giữ toàn bộ.

 

Nguồn thu ngoại tệ sa sút…

Xâm phạm nhân quyền lao động nghiêm trọng là vấn đề nhức nhối cần giải quyết

Ước tính Bắc Triều Tiên thu được 200 triệu USA mỗi năm nhờ xuất khẩu lao động. Chính quyền lấy 70 đến 90 phần trăm và chi vào các việc phát triển tên lửa và vũ khí hạt nhân, mua hàng hóa xa xỉ cho lãnh đạo, bao gồm cả Chủ tịch Kim Jong-un. Một vấn đề nghiêm trọng khác là sự ngược đãi, xâm phạm quyền con người đối với công nhân Bắc Triều Tiên. Họ phải làm việc 10 đến 12 giờ một ngày và 27 ngày/tháng. Nhiều người đã bị thương hoặc thậm chí chết trong khi làm việc do khối lượng công việc quá tải. Ngay cả trong những ngày nghỉ, họ chỉ được phép ở trong nhà hoặc nơi làm việc mà không được đi ra ngoài, vì hộ chiếu bị chính quyền giữ.

Trước thực trạng ngược đãi nhân quyền của công nhân Bắc Triều Tiên ở nước ngoài, cộng đồng quốc tế bắt đầu ngừng tiếp nhận lao động từ nước này. Tháng 12/2017, Hội đồng bảo an Liên hợp quốc đã thông qua Nghị quyết 2397, theo đó các thành viên Liên hợp quốc phải yêu cầu lao động Bắc Triều Tiên hồi hương trước khi kết thúc năm nay, năm 2019.

Trong khi nhiều quốc gia đang tiến hành gửi trả lại lao động cho Bắc Triều Tiên, Bình Nhưỡng vẫn tiếp tục đưa người lao động ra nước ngoài. Có báo cáo cho biết gần đây Bắc Triều Tiên đã gửi hàng ngàn lao động đến các nhà máy ở Trung Quốc mà không có thị thực,  dù sao họ cũng không được cấp giấy phép làm việc theo lệnh trừng phạt quốc tế. Công nhân Bắc Triều Tiên đang bị bóc lột như một phương tiện kiếm ngoại tệ cho Chính quyền. Đòi lại tự do và nhân quyền cho họ là nhiệm hết sức cấp thiết hiện nay của cộng đồng quốc tế.

Tin mới nhất