Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Cận cảnh Bắc Triều Tiên

Hệ thống sưởi của các hộ gia đình ở Bắc Triều Tiên

2019-12-12

© KBS

Đợt lạnh đổ bộ vào Hàn Quốc tuần trước khiến người dân gấp rút chuẩn bị các thiết bị sưởi ấm như máy sưởi, chăn điện hay đệm điện. Nhiều hộ gia đình lắp đặt lều sưởi ấm trong nhà, các sản phẩm ngăn gió lạnh như miếng dán khe cửa cũng đang được bán rất chạy.

Vậy người dân ở phía Bắc Bán đảo Hàn Quốc, nơi có mùa đông lạnh và dài hơn miền Nam thì sao, họ giữ ấm bằng cách nào? Hôm nay hãy cùng tìm hiểu về hệ thống sưởi ở Bắc Triều Tiên với Giáo sư Chung Eun-chan đến từ Viện Giáo dục Thống nhất thuộc Bộ Thống nhất.

 

Thiết bị sưởi ấm không đầy đủ ngay cả ở thủ đô Bình Nhưỡng

Ở Bắc Triều Tiên, tuyết đầu mùa rơi sớm nhất vào cuối tháng 9. Dọc theo sông Amrok ven biên giới Trung-Triều thuộc khu vực Junggangjin tỉnh Jagang, vào thời kỳ đỉnh điểm năm 1993, nhiệt độ xuống đến âm 44 độ C.

Để bảo đảm gạo, nước và nhiệt trong những tháng mùa đông là khá gian nan. Lúa thu hoạch từ vụ thu không đủ để cung cấp suốt mùa đông dài, hệ thống ống nước vốn đã không hoạt động ổn định ngay cả trong tiết trời bình thường rất dễ đóng băng trong giá lạnh. Thiết bị sưởi ấm cũng không đầy đủ ngay cả ở thủ đô Bình Nhưỡng.

 

Xuất hiện dịch vụ môi giới nhà ở tạm thời trong mùa đông

Bắc Triều Tiên đã xây dựng nhà máy nhiệt điện ở khu vực Pyongchon, Bình Nhưỡng, để lắp đặt hệ thống sưởi tập trung cho các khu chung cư ở thủ đô. Nhưng nhà máy này không hoạt động đều, và điện chỉ được cung cấp cho các căn hộ ở khu vực Pyongchon, nơi các sĩ quan của Đảng lao động cư trú. Ngay cả khi điện được cung cấp, đường ống nước nóng đã lỗi thời nên các tòa nhà cũng không được làm ấm đúng cách. Do đó, hầu hết người dân Bình Nhưỡng đều mặc áo len dày, đi tất trong nhà. Các thành viên trong gia đình đều ngủ cùng nhau trong phòng ấm nhất dù chật chội. Một số người lại tìm đến nhà người thân ở các khu vực khác. Việc này ngày càng phổ biến khiến phát sinh dịch vụ môi giới, giới thiệu nhà ở tạm thời có thu phí. Để giải quyết vấn đề sưởi ấm, một số người đã bí mật sửa sang lại căn hộ của họ. Ở vùng nông thôn, tình trạng thiếu thốn các hệ thống sưởi còn trầm trọng hơn.

 

Giàu than…để “xuất khẩu”, dân chặt phá rừng lấy gỗ đốt sưởi

Khác với Hàn Quốc nơi sử dụng rộng rãi hệ thống sưởi bằng gas, hầu hết người dân Bắc Triều Tiên, trừ những người sống ở các thành phố lớn, vẫn phụ thuộc vào than để sưởi ấm mùa đông. Cư dân ở các tỉnh sản xuất than như Nam Pyongan, Hamgyeong, Jagang và Ryanggang sưởi ấm nhà của họ bằng cách đốt than nâu và than antraxit. Nhưng người dân ở các khu vực khác không thể sử dụng than nhiều như họ muốn, vì mục đích chính của sản xuất than là xuất khẩu. Như giáo sư Chung Eun-chan giải thích, không dễ vận chuyển than bằng đường sắt đến các nhà máy đóng bánh than, vì tàu không được cấp đủ điện. Vì thế, giá than có xu hướng tăng gấp đôi ở các vùng ngoài khu vực sản xuất than ở Bắc Triều Tiên. Những người không đủ khả năng sử dụng nhiên liệu than đắt đỏ phải tìm đến phương án thay thế là củi, nhưng tình hình cũng không mấy khả quan hơn.

Sau khi chính phủ ngừng cung cấp than giữa những năm 1990, nhiều người Bắc Triều Tiên bắt đầu đốn củi, khiến rừng bị tàn phá nghiêm trọng. Thời điểm đó, người ta thường thấy trẻ em vùng nông thôn xuống núi, kéo thân cây hoặc mang củi trên lưng để giúp đỡ cha mẹ.

 

Nỗ lực phát triển năng lượng tái tạo

Kể từ khi Chủ tịch Kim Jong-un lên nắm quyền, miền Bắc đã thúc đẩy tái trồng rừng, nhưng những ngọn núi nơi đây vẫn còn cằn cỗi. Để ngăn chặn nạn chặt phá rừng, truyền thông Bắc Triều Tiên đã kêu gọi người dân sử dụng nhiên liệu thay thế. Một số người đang chuyển sang dùng hệ thống sưởi bằng năng lượng mặt trời. Các quan chức cấp cao và gia đình giàu có sử dụng các tấm pin mặt trời của Trung Quốc hoặc thậm chí của Hàn Quốc, đã được buôn lậu qua Trung Quốc.

Bắc Triều Tiên đang thúc đẩy các nỗ lực phát triển năng lượng tái tạo, điển hình là năng lượng nhiệt mặt trời, để giải quyết vấn đề thiếu điện dai dẳng và cơ sở hạ tầng sưởi ấm yếu kém. Nhưng năng lượng tái tạo chỉ chiếm một phần không đáng kể trong các nguồn cung cấp điện quốc gia. Mùa đông lạnh giá đã len lỏi đến từng ngóc ngách, trong khi hệ thống sưởi ấm vẫn đang rất thiếu thốn. Bởi vậy, đối với người dân miền Bắc, mùa đông là mùa “khổ cực” trong năm, và là khoảng thời gian họ muốn trôi qua nhanh nhất.

Tin mới nhất