Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Cận cảnh Bắc Triều Tiên

Giáng sinh tại Bắc Triều Tiên

2019-12-19

© KBS

Giáng sinh đang đến rất gần, những bài hát chào mừng vang khắp các nẻo đường, nơi có những cây thông Noel trang trí long lanh. Gia đình, bạn bè và các đôi tình nhân đang bận rộn lên kế hoạch cho kỳ nghỉ, hay giúp đỡ hàng xóm chuẩn bị cho dịp lễ. Giáng sinh thực sự là ngày dành cho tình yêu, sẻ chia và hạnh phúc ở Hàn Quốc.

Còn người dân Bắc Triều Tiên tận hưởng ngày Giáng sinh như thế nào? Hãy cùng nghe bà Kang Mi-jin, đã đào thoát thành công khỏi miền Bắc, hiện đang là phóng viên tờ báo trực tuyến Daily NK trụ sở tại Seoul, chia sẻ.

 

Bắc Triều Tiên không chào mừng Giáng sinh

Trong khi rất nhiều nơi trên thế giới hưởng ứng Giáng Sinh, vẫn có một số quốc gia không kỷ niệm dịp này. Thậm chí, Giáng sinh còn bị cấm theo luật ở một số quốc gia Hồi giáo như Brunei, Tajikistan và Somalia, bởi các đám đông dễ có nguy cơ bị tấn công khủng bố. Tương tự, Bắc Triều Tiên cũng không chào mừng Giáng sinh. Các nhà thờ và thánh đường nơi đây chỉ tổ chức các nghi lễ mang tính hình thức. Trên thực tế, tự do tôn giáo không tồn tại ở Nhà nước cộng sản này. Miền Bắc không công nhận Giáng sinh bắt nguồn từ Kitô giáo, và hầu hết người dân không hề biết đến ngày lễ này.

 

Ngày 24/12 có ý nghĩa chính trị to lớn ở miền Bắc

Tuy nhiên, Bắc Triều Tiên không đón Giáng sinh vào ngày 24/12 còn vì nhiều lý do khác nhau. Ngày này chính là sinh nhật của bà Kim Jong-suk, thân mẫu của cựu lãnh đạo Kim Jong-il. Cùng với người sáng lập đất nước Kim Nhật Thành và con trai Kim Jong-il, bà được biết đến như một trong “ba vị tướng của núi Baekdu (Bạch Đầu)”. Theo thông tin từ Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA), bà Kim Jong-suk sinh ra ở Hoeryong thuộc tỉnh Bắc Hamgyeong vào ngày 24/12/ 1917, mất năm 1949. Bà được biết đến rộng rãi ở Bắc Triều Tiên sau khi con trai Kim Jong-il được chính thức bổ nhiệm làm người kế vị, trị vì đất nước.

Ông Kim Jong-il được chỉ định làm Bí thư Đảng Lao động Bắc Triều Tiên năm 1973 để trở thành người kế vị cựu lãnh đạo Kim Nhật Thành. Năm 1991, ông được bổ nhiệm làm Tư lệnh tối cao của Lực lượng Vũ trang Nhân dân Bắc Triều Tiên, nắm quyền kiểm soát cả Đảng và quân đội, các tổ chức quyền lực nhất trong chế độ cầm quyền, tạo tiền đề vững chắc cho việc chuyển giao quyền lực theo kiểu cha truyền con nối.  Chủ tịch Kim Jong-il lúc bấy giờ thần tượng mẹ mình là nữ tướng núi Baekdu (Bạch Đầu), đã gia nhập lực lượng du kích chống Nhật cùng cha ông. Điều này đồng thời thừa nhận tính hợp pháp của ông với tư cách con trai duy nhất của bà Kim Jong-suk và người thừa kế trực tiếp của lãnh đạo Kim Nhật Thành. Kể từ đó, nhiều sự kiện đa dạng đã được tổ chức vào dịp 24/12 để kỷ niệm ngày bổ nhiệm ông Kim Jong-il làm Tư lệnh tối cao của quân đội, cũng là sinh nhật thân mẫu của ông. Các nhà máy, doanh nghiệp và quân đội phải tham gia các sự kiện này, những người không tham dự mà không có lý do cụ thể sẽ phải tự phê bình hoặc chịu phạt. Những sự kiện này nhằm tôn vinh gia đình ông Kim Jong-il, củng cố sự sùng bái của người dân miền Bắc đối với gia tộc họ Kim. Ngày 24/12 cũng được coi là một ngày quan trọng trong kỷ nguyên lãnh đạo của Chủ tịch đương thời Kim Jong-un.

 

Chưa có sự kiện nào liên quan đến Chủ tịch Kim Jong-un vào dịp 24/12

Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Bắc Triều Tiên Kim Jong-un bắt đầu theo học ngành khoa học quân sự tại Đại học quân sự Kim Nhật Thành vào năm 2002. Tháng 12/2006, ông nhận bằng tốt nghiệp và huy hiệu từ cha mình. Ông trở thành nhà lãnh đạo kế vị sau khi thân phụ Kim Jong-il qua đời ngày 17/12/2011.

Hiện tại, có vẻ Bắc Triều Tiên không chuẩn bị sự kiện nào liên quan đến nhà lãnh đạo Kim Jong-un vào dịp 24/12. Nhưng ngày này trùng với ba dịp kỷ niệm của ba thế hệ huyết thống Baekdu”, đại diện cho tính hợp pháp của gia tộc cầm quyền họ Kim. Mặc dù ngày 24/12 có ý nghĩa chính trị to lớn, không khí mùa cuối năm ở Bắc Triều Tiên không có gì đặc biệt hơn các quốc gia khác.

 

Thông lệ chonghwa vào dịp cuối năm

Người dân Bắc Triều Tiên đều tham gia một số nhóm nhất định. Trên thực tế, họ không thể tách rời các nhóm hoặc tổ chức cho đến khi trút hơi thở cuối cùng. Trong mùa cuối năm, người Bắc Triều Tiên thường tổ chức các cuộc họp theo nhóm, thực hiện thông lệ chonghwa để nhìn lại một năm đã qua. Thói quen suy ngẫm về năm vừa qua và tìm cách cải thiện cuộc sống không khác nhiều so với miền Nam, mặc dù hình thức chonghwa có thể khá xa lạ với người Hàn Quốc.

Những hoạt động cá nhân khép lại năm cũ ở miền Bắc thậm chí rất giống với Hàn Quốc. Những người nợ tiền sẽ trả lại tất cả các khoản vay trước cuối năm, các bà nội trợ thì giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa. Tổ tiên người Hàn Quốc từng thanh toán hết nợ nần vào đêm giao thừa và dọn dẹp nhà cửa kỹ lưỡng từ trong ra ngoài. Có vẻ truyền thống này vẫn được thực hiện ở miền Bắc. Giờ đây, ai cũng mong muốn người Bắc Triều Tiên sẽ được tận hưởng Giáng sinh, giống như tất cả mọi người trên thế giới.

So với trước đây, Bắc Triều Tiên đang mở cửa xã hội với tốc độ nhanh hơn, nên thế giới càng thêm hy vọng miền Bắc sẽ chia sẻ lời chúc Giáng sinh vào một ngày không xa. Nhưng thực tế lại nghiệt ngã hơn nhiều, Bình Nhưỡng đã cảnh báo sẽ gửi một “món quà Giáng sinh” cho Mỹ trong bối cảnh đàm phán hạt nhân Mỹ-Triều đang đình trệ. Không may là căng thẳng có thể sẽ kéo dài trên bán đảo Hàn Quốc trong mùa Giáng sinh năm nay.

Tin mới nhất