Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Cận cảnh Bắc Triều Tiên

Đảng Lao động ở Bắc Triều Tiên

2020-01-02

© YONHAP News

Khác với hầu hết các quốc gia trên thế giới đã áp dụng hệ thống đa đảng, Bắc Triều Tiên chỉ có một đảng chính trị duy nhất. Một số đảng nhỏ như Đảng Dân chủ Xã hội cũng trực thuộc đảng Lao động, đảng cầm quyền của Bắc Triều Tiên.

Hôm nay, chúng ta sẽ tìm hiểu thêm về đảng Lao động Bắc Triều Tiên cùng ông Ahn Chan-il, đã đào thoát thành công khỏi miền Bắc và hiện là Viện trưởng Viện nghiên cứu Bắc Triều Tiên tại Seoul.

 

Đảng Lao động là tổ chức quyền lực nhất Bắc Triều Tiên

Thành lập năm 1945 với mục tiêu xây dựng xã hội cộng sản, đảng Lao động Bắc Triều Tiên là cơ quan nòng cốt quốc gia. Sau các đợt thanh trừng lớn của các lực lượng đối lập Kim Nhật Thành, như phe trong nước do Pak Hon-yong lãnh đạo và phe Yanan của cộng sản thân Trung Quốc, đảng Lao động trở thành cơ quan chính trị cho chế độ độc tài Kim Nhật Thành. Ngoài chức năng chính là đảng chính trị đại diện cho một tầng lớp xã hội cụ thể, đảng còn đóng vai trò là công cụ lãnh đạo. Năm 1970, đảng sửa đổi điều lệ để củng cố giáo phái juche, hệ tư tưởng tự lực của nhà lãnh đạo, cũng là đường lối của đảng.

Sau khi Chủ tịch Kim Jong-il kế vị năm 1974, ông bắt đầu chú trọng đến “mười nguyên tắc thiết lập một hệ thống tư tưởng thống nhất” nhằm củng cố vai trò lãnh đạo độc tài của ông. Tại Đại hội đại biểu đảng năm 2010, con trai ông Kim Jong-il là Kim Jong-un đã chính thức được bổ nhiệm là người kế vị. Theo đó, đảng Lao động đóng vai trò lãnh đạo trong công cuộc chuyển giao quyền lực “cha truyền con nối”.

 

Hội nghị toàn thể Ủy ban trung ương và Đại hội đảng Lao động là hai sự kiện chính trị quan trọng nhất

Về nguyên tắc, Đại hội là cơ quan ra quyết định cao nhất của đảng, điều chỉnh lại điều lệ đảng và đưa ra định hướng chính sách cơ bản cho đảng. Tuy nhiên trên thực tế, đại hội ngầm nghiễm nhiên tán thành các quyết định của Ủy ban Trung ương đảng, tổ chức quyền lực nhất của đảng. Hiện tại, Ủy ban Trung ương đảng do Chủ tịch Kim Jong-un đứng đầu. Một cơ quan khác của đảng là Quân ủy Trung ương, chịu trách nhiệm tổ chức và hướng dẫn tất cả các dự án quân sự theo điều lệ của đảng. Quân đội Nhân dân Bắc Triều Tiên trực thuộc đảng chứ không thuộc Nhà nước, và ông Kim Jong-un nắm quyền kiểm soát chính phủ, quân đội và các tổ chức xã hội. Quá trình sàng lọc để lựa chọn đảng viên rất nghiêm ngặt.

 

Không phải ai cũng có thể trở thành đảng viên

Đảng lao động có 3 triệu thành viên, chiếm khoảng 1/7 tổng dân số Bắc Triều Tiên, mức cao nhất trên thế giới. Tuy vậy, không phải ai cũng có thể trở thành đảng viên, đặc biệt những người được cho là có tư tưởng chống đối thù địch sẽ không được kết nạp đảng dù tài giỏi đến đâu.

Những người đủ tư cách là thành viên của đảng sẽ có cơ hội thăng tiến và củng cố quyền lực lâu dài. Cựu lãnh đạo Kim Nhật Thành và Kim Jong-il hiếm khi thay thế các quan chức cấp cao để khuyến khích lòng trung thành. Chính vì lẽ đó, giới quyền lực Bắc Triều Tiên thường là những người lớn tuổi. Tuy nhiên, dưới thời Chủ tịch Kim Jong-un, bộ máy nhân sự Đảng đã có sự thay đổi.

 

Cuộc cải tổ bộ máy nhân sự lớn dưới thời Chủ tịch Kim Jong-un

Năm 2019, phó Chủ tịch đảng Lao động Choe Ryong-hae đã thay thế Chủ tịch Ủy ban thường vụ Hội đồng nhân dân tối cao miền Bắc Kim Yong-nam. Trên thực tế, khả năng từ chức của ông Kim Yong-nam, sinh năm 1928, là nguyên thủ quốc gia nhiều thập kỷ, thường được nhắc đến những năm gần đây. Ngoài ra, những người thuộc thế hệ trẻ hơn, tầm dưới 60 tuổi, bắt đầu nắm giữ các vị trí chủ chốt, 30% giới chỉ huy trong lực lượng quân đội ở độ tuổi 70 và 80 cũng đã được thay thế. Sự thay đổi nhân sự này báo hiệu một cuộc đại tu lớn của đảng Lao động.

 

Khác với phương châm “quân đội là ưu tiên hàng đầu” của người cha Kim Jong-il, nhà lãnh đạo Kim Jong-un chủ trương củng cố sức mạnh bộ máy Đảng ngay từ những năm đầu cầm quyền. Chủ tịch Kim Jong-un mong muốn thổi một luồng gió mới vào xã hội Bắc Triều Tiên bằng cách đề cao tài năng và công hiến của thế hệ trẻ, đồng thời vẫn củng cố vị thế lãnh đạo của Đảng. Thế giới đang chờ xem nỗ lực này sẽ tạo ra kết quả gì trong năm 2020.

Tin mới nhất