Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Cận cảnh Bắc Triều Tiên

Quyền trẻ em ở Bắc Triều Tiên

2020-10-15

ⓒ Getty Images Bank

Báo cáo của Bộ Lao động Mỹ hôm 1/10 về Danh sách hàng hóa do lao động trẻ em hoặc lao động bị cưỡng bức sản xuất năm 2020 cho thấy Bắc Triều Tiên sử dụng lao động trẻ em để sản xuất hàng hóa trong nhiều lĩnh vực khác nhau như khai thác mỏ, cắt đá và sản xuất, đứng thứ 4 trong số hơn 70 quốc gia sử dụng sức trẻ em để  sản xuất hàng hoá. Hôm nay, chúng ta sẽ tìm hiểu về quyền trẻ em và vấn đề lạm dụng trẻ em ở miền Bắc, vấn đề nghiêm trọng mà cộng đồng quốc tế không ngừng lên án.


Luật bảo vệ trẻ em ở Bắc Triều Tiên chỉ tồn tại trên hình thức


Bắc Triều Tiên cũng có luật đảm bảo quyền trẻ em. Điều 43 của Luật bảo vệ quyền trẻ em nghiêm cấm hành vi lạm dụng hoặc bạo lực gia đình đối với trẻ em. Điều 27 quy định cha mẹ có trách nhiệm nuôi dạy con cái trở thành người có trí tuệ, đạo đức và sức khỏe tốt. Ngoài ra, Bình Nhưỡng còn quy định cụ thể nhiều biện pháp pháp lý trong các luật về gia đình, chăm sóc trẻ em, giáo dục, y tế, phòng chống dịch bệnh và dân sự nhằm bảo vệ trẻ em.

Tuy nhiên, trên thực tế, luật pháp không có hiệu lực và Chính phủ cũng không có biện pháp chống bạo lực gia đình. Theo những người đào thoát miền Bắc, vấn nạn bạo lực trẻ em không được chú ý trong xã hội Bắc Triều Tiên, bởi cha mẹ và giáo viên đều cho rằng kỷ luật trẻ em là điều đương nhiên. Bên cạnh đó, mặc dù có hệ thống pháp luật bảo vệ, nhiều trẻ em miền Bắc bị suy dinh dưỡng hoặc thậm chí bị bỏ đói thường xuyên, cho thấy quyền sống của trẻ em bị xâm phạm. Nói cách khác, Luật bảo vệ trẻ em ở Bắc Triều Tiên chỉ tồn tại trên hình thức.


Vấn nạn bạo hành trẻ em tại các nhà trẻ và trường học


Trẻ em thường trở thành nạn nhân của hành vi lạm dụng trẻ em tại các nhà trẻ, vì một số giáo viên có hành vi bạo hành thể chất và tinh thần lên những trẻ không nói được tốt. Ngay cả hiệu trưởng của một số trung tâm cũng tham gia vào việc ngược đãi trẻ em. Tuy nhiên, vẫn không có biện pháp thích hợp để ngăn chặn tình trạng bạo hành trẻ em tại các nhà trẻ và trường học. Ngược lại với Hàn Quốc, ở miền Bắc, việc giáo viên hay phụ huynh đánh trẻ không được coi là vấn đề nghiêm trọng nên khó mà giải quyết triệt để vấn nạn bạo hành trẻ em. Thậm chí, một số phụ huynh còn yêu cầu giáo viên đánh con mình nhiều hơn để giáo dục cho tốt.


Bắc Triều Tiên lạm dụng trẻ em cho các buổi biểu diễn thể dục dụng cụ


Bên cạnh đó, Bắc Triều Tiên thường tổ chức biểu diễn thể dục dụng cụ quần chúng hoành tráng, thu hút hơn 100.000 vận động viên thể dục và vũ công đồng diễn vào những dịp quan trọng như sinh nhật của cựu lãnh đạo hay ngày thành lập Chính phủ.

Để chuẩn bị cho sự kiện, miền Bắc huy động trẻ em và thanh thiếu niên tham gia tập luyện nghiêm ngặt, gây nhiều tranh cãi về vấn đề lạm dụng trẻ em. Thông thường, khóa đào tạo bắt đầu từ 6 giờ sáng và kéo dài đến 10 giờ tối. Ngay cả những đứa trẻ chỉ 5 đến 6 tuổi cũng phải tập luyện để tham gia một buổi biểu diễn kéo dài hơn một giờ. Hơn 20.000 trẻ em Bắc Triều Tiên phải hy sinh rất nhiều thời gian học tập để chuẩn bị cho buổi biểu diễn. Nhiều người lên án quá trình đào tạo khắc nghiệt của miền Bắc vi phạm Công ước của Liên hợp quốc về Quyền trẻ em mà Chính phủ Bắc Triều Tiên đã phê chuẩn năm 1990.


Tình trạng lạm dụng trẻ em ở Bắc Triều Tiên đang được cải thiện dần dần


Một nhóm hoạt động vì nhân quyền ở Bắc Triều Tiên mang tên “Những người vì sự thống nhất thành công” ngày 27/11/2019 đã phát hành một báo cáo về tình trạng lạm dụng trẻ em tại miền Bắc. Báo cáo dựa trên lời khai của khoảng 150 người đào thoát từ Bắc Triều Tiên, cho biết tình trạng lạm dụng trẻ em ở miền Bắc đã được cải thiện dần dần. Một trong những lý do là vì Bắc Triều Tiên có tỷ lệ sinh thấp. Ngày nay, nhiều gia đình chỉ có một con. Không có gì ngạc nhiên khi các bậc cha mẹ cưng chiều con mình và số vụ bạo hành trẻ em ít hơn nhiều so với trước đây.

Một lý do khác là luồng văn hóa ngoại nhập và một số cơ chế của nền kinh tế thị trường mà Nhà nước cộng sản áp dụng đã góp phần làm giảm số vụ ngược đãi trẻ em, mặc dù vấn đề vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Tổ chức đấu tranh cho quyền trẻ em KidsRights (quyền trẻ em) có trụ sở tại Hà Lan đã công bố Chỉ số KidsRights 2020 ngày 4/6. Chỉ số này đánh giá năm khía cạnh: quyền sống, sức khỏe, giáo dục, quyền được bảo vệ và môi trường thuận lợi cho quyền trẻ em của 182 quốc gia. Bắc Triều Tiên đứng ở vị trí thứ 111, tăng từ vị trí thứ 122 của năm ngoái, làm dấy lên hy vọng quyền trẻ em đã phần nào được cải thiện. Hy vọng quyền trẻ em sẽ được bảo vệ chặt chẽ ở miền Bắc, theo đúng tinh thần của Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em mà nước này đã ký kết.

Tin mới nhất